Năm 2022, nhiều doanh nghiệp rơi vào thế khó khi “khát” đơn hàng, doanh thu đi xuống. Nếu một số doanh nghiệp chọn cắt giảm nhân sự để giảm bớt gánh nặng tài chính, thì số khác quyết định thu hẹp quy mô văn phòng, cắt giảm những khoản phí không cần thiết để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Các nội dung chính của bài viết
“Làn sóng” cắt giảm nhân sự lan rộng
Theo thông tin từ Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM, các đơn hàng xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2022 giảm rõ rệt. Cụ thể, châu Âu giảm 60%, Mỹ giảm 30-40%. Trong khi đó, lượng hàng tồn kho tăng, chiếm tới 20-25%. Dự báo tới quý 1/2023, nhiều doanh nghiệp không có khách hàng mới. Ngoài dệt may, thì tình trạng “khát” đơn hàng cũng diễn ra ở các lĩnh vực như điện tử, đồ gỗ, giày dép, nhựa và sản phẩm nhựa…
Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất, nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành nghề tiêu dùng, dịch vụ cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi tình hình lạm phát gia tăng, kéo theo việc thị trường giảm nhu cầu, người dân thắt chặt chi tiêu.
Thị trường tài chính tiền tệ cũng ảnh hưởng khá tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Dự báo trong những tháng cuối năm 2022, tỷ giá USD tiếp tục tăng khoảng 4% so với đầu năm, lãi suất cho vay USD và VND cuối năm 2022 cũng được dự báo tăng 0,5 – 1% khiến chi phí tài chính của các doanh nghiệp tăng cao. Chính những lý do này khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu tìm cách “thắt chặt chi tiêu”. Và lựa chọn phổ biến là cắt giảm nhân sự để giảm bớt gánh nặng tài chính.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hơn 240.000 công nhân dệt may, da giày, chế biến gỗ… thiếu việc làm dịp cuối năm do doanh nghiệp cắt giảm sản xuất hoặc phải chờ đơn hàng. Nhưng những con số này thực tế có thể sẽ nhiều hơn bởi số lượng doanh nghiệp đông, địa bàn rộng, và một số doanh nghiệp vẫn chưa cập nhật, chưa công bố công khai.
Giải pháp nào tối ưu cho doanh nghiệp?
Cắt giảm nhân sự có phải là giải pháp tốt nhất trong thời điểm này? Nhiều nhà quản lý cho rằng, để tìm kiếm nguồn lao động có kinh nghiệm, gắn bó với doanh nghiệp là điều không hề dễ dàng. Nếu cắt giảm nhân sự, thì sau khi thị trường phục hồi, doanh nghiệp sẽ mệt mỏi hơn với vấn đề tuyển dụng, đào tạo. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng giữ chân nhân sự bằng các giải pháp như cho nghỉ luân phiên, tìm thêm đơn hàng mới, mở rộng thị trường, hoạt động không lợi nhuận,…
Song song đó, nhiều khoản chi tiêu cũng được cân nhắc siết chặt hoặc tạm ngưng như phí công tác, ăn uống miễn phí, du lịch, điện nước, hoạt động PR, tổ chức sự kiện,…
Và hiện nay, có một xu hướng “cứu cánh” khá hiệu quả mà nhiều doanh nghiệp đang chọn lựa để cắt giảm gánh nặng tài chính. Đó là việc thu hẹp quy mô văn phòng, kho bãi, tối ưu hóa diện tích sử dụng.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp sẽ “bỏ bớt văn phòng”, chuyển đổi công năng văn phòng thành nhà kho, hoặc chuyển văn phòng tới những trụ sở có diện tích nhỏ hơn để giảm chi phí thuê mặt bằng. Còn các loại thiết bị máy móc, hồ sơ văn phòng không thực sự cần thiết sẽ tìm thuê kho lưu trữ tạm chờ tình hình ổn định trở lại.
Việc thuê kho bãi truyền thống cũng được cân nhắc để chuyển đổi sang loại hình kho bãi dịch vụ để linh động và tiết kiệm hơn. Bà Trương Hồng Nga, chủ của một doanh nghiệp kinh doanh đồ nội thất ở quận 10 chia sẻ: “Khi sức tiêu thụ của thị trường giảm xuống, lượng hàng chúng tôi nhập về cũng không còn nhiều như trước. Vì thế chi phí thuê mặt bằng kho xưởng và điều hành kho trở thành một gánh nặng cho ngân sách. Với việc thuê kho dịch vụ, doanh nghiệp có thể linh động hơn về mặt thời gian và diện tích thuê, vì chi phí sẽ tăng giảm dựa vào lượng hàng lưu trữ thực tế”.
Ông Huỳnh Thanh Linh, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH TMDV Saigon Express cho biết: “Trong những tháng cuối năm, lượng doanh nghiệp thuê kho tại SEC Warehouse có xu hướng tăng. Bên cạnh khách hàng thuê kho để lưu trữ hàng hóa bán Tết, thì có khá nhiều doanh nghiệp thuê kho để chứa tạm các thiết bị văn phòng, hồ sơ tài liệu”. Ông Linh cũng cho biết thêm, để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, công ty đang có chính sách ưu đãi 40% cước phí vận chuyển dành cho khách hàng thuê kho.
Không chỉ riêng tại Việt Nam, tình hình suy thoái kinh tế cũng khiến nhiều quốc gia rơi vào trạng thái cắt giảm chi tiêu toàn diện để tiết kiệm chi phí. Thị trường được dự báo sẽ còn nhiều biến động. Căn cứ vào tình hình thực tế, chủ doanh nghiệp cần sáng suốt để tự đánh giá và lựa chọn giải pháp phù hợp nhất cho doanh nghiệp của mình.