Mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) vừa có văn bản gửi đến ông Trần Văn Sơn (Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ) và ông Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Bộ Y tế) đề xuất ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho hơn 150.000 lao động thuộc hơn 500 doanh nghiệp hội viên trong ngành dịch vụ logistics.
Đại diện ban chấp hành Hiệp hội, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA cho biết, hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn bởi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Điều này sẽ có khả năng làm xáo trộn, thậm chí đứt gãy chuỗi dịch vụ logistics, khiến dòng luân chuyển hàng hóa đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị đình trệ. Kéo theo đó là những biến động khó lường trên thị trường.
Trong khi đó, hiện nay Đảng và Nhà nước cùng toàn dân đang nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”, dồn toàn lực để ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh lây lan. Nỗ lực dập dịch nhanh chóng để ổn định tình hình và khôi phục sản xuất, kinh doanh. Nếu dịch bệnh gây tác động xấu tới hoạt động dịch vụ logistics dẫn tới những hệ lụy nêu trên, sẽ gây ảnh hưởng chung tới mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế của Chính phủ.
Chính vì thế, VLA đã đề xuất với Văn phòng Chính phủ Bộ Y tế để xem xét ưu tiên việc tiêm vaccine Covid-19 cho đội ngũ lao động thuộc ngành dịch vụ logistics. Bởi đây là ngành dịch vụ quan trọng, thường xuyên tiếp xúc với nhiều đơn vị trong và ngoài nước nên việc được tiêm vaccine sẽ đảm bảo an toàn cho người lao động, giúp họ an tâm làm việc, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Cụ thể, lực lượng lao động trong ngành dịch vụ logistics được VLA đề xuất tiêm vaccine sẽ chia thành 4 nhóm, đang làm việc tại hơn 500 doanh nghiệp hội viên VLA.
Nhóm 1: Là những người làm việc tại sân bay, cảng biển, cảng cạn IDC, kho bãi
Nhóm 2: Là những người trực tiếp tham gia vào hoạt động vận tải hàng hóa đường sông, đường biển, đường sắt, và đặc biệt là đường bộ (các tài xế lái xe).
Nhóm 3: Là những người trực tiếp tham gia vào việc quản lý kho bãi và phân phối hàng hóa.
Nhóm 4: Là những người trực tiếp tham gia vào công tác làm thủ tục hải quan, các thủ tục chứng từ vận tải liên quan phải thường xuyên tiếp xúc với nhiều người và nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau.
Ước tính tổng số lao động trong 4 nhóm lao động trên là khoảng 150.000 người, được cho là những đối tượng làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao, cần được ưu tiên tiêm phòng.
Việc đề xuất tiêm phòng cho người lao động trong lĩnh vực dịch vụ logistics được đánh giá là một động thái tích cực và chủ động của VLA trong công tác phòng chống dịch. Thông qua đó sẽ giúp người lao động giữ vững tinh thần và sức khỏe để phục vụ sản xuất, lưu thông phân phối và y tế. Từ đó đảm bảo dòng hàng hóa lưu thông để đáp ứng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như phục vụ đời sống thiết yếu của người dân và của ngành y tế cộng đồng trong nhiệm vụ chống dịch, ổn định kinh tế.