Bài viết cung cấp một số thông tin về thủ tục nhập khẩu phế liệu dành cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nhu cầu nhập khẩu loại hàng hoá này.
Phế liệu là một trong những mặt hàng được phép nhập khẩu vào Việt Nam với mục đích tái chế và sử dụng trong ngành công nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, không phải bất cứ loại phế liệu nào cũng được nhập khẩu một cách dễ dàng mà cần phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện và trình tự thủ tục. Vậy thủ tục nhập khẩu phế liệu về Việt Nam cần chuẩn bị những gì, gồm những bước nào? Hãy cùng SEC Warehouse tìm hiểu thông tin chi tiết qua bài viết dưới.
Các nội dung chính của bài viết
Điều kiện để được làm thủ tục nhập khẩu phế liệu về Việt Nam
Phế liệu không phải là một mặt hàng bị cấm nhập khẩu tại Việt Nam, nhưng lại thuộc diện hạn chế nhập khẩu. Do đó, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cần phải xin giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới có thể tiến hành thủ tục nhập khẩu phế liệu.
Đối tượng được cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu
Theo quy định của Pháp luật hiện hành, các cá nhân, tổ chức được cấp phép nhập khẩu phế liệu về Việt Nam gồm:
- Các cá nhân hoặc tổ chức trực tiếp sử dụng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam làm nguyên liệu sản xuất.
- Tổ chức, cá nhân nhận uỷ thác từ một tổ chức hoặc cá nhân khác sử dụng phế liệu nhập khẩu để phục vụ sản xuất.
Điều kiện để được cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu
Để được cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu, cá nhân, doanh nghiệp cần đáp ứng đủ các điều kiện cơ bản được quy định rõ trong Nghị định số 38/2015/CP-NĐ của Chính Phủ về việc quản lý chất thải và phế liệu, ban hành ngày 24/4/2015. Cụ thể, Nghị định này nêu rõ một số yêu cầu cho các cá nhân, đơn vị nhập khẩu phế liệu cần đảm bảo các điều kiện về:
- Kho lưu giữ phế liệu nhập khẩu
- Bãi lưu giữ thế liệu nhập khẩu
- Ứng dụng công nghệ, thiết bị phục vụ tái chế cần đáp ứng đầy đủ yêu cầu về kỹ thuật và quy trình quản lý theo đúng quy định
- Cần có công nghệ hoặc thiết bị chuyên dụng để xử lý các tạp chất trong quá trình tái chế. Nếu không có công nghệ hay thiết bị xử lý tạp chất phù hợp, thì cần phải chuyển giao cho đơn vị khác có chức năng và điều kiện thích hợp để xử lý
- Ký quỹ đảm bảo nhập khẩu phế liệu theo quy định của Nghị định 38/2015/CP-NĐ
- Cam kết (bằng văn bản) trong việc tái xuất / xử lý phế liệu nếu phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường
Ngoài ra, bạn cung cần lưu ý đến một số điều kiện mà các cá nhân, đơn vị nhận uỷ thác nhập khẩu phế liệu cần đáp ứng:
- Có hợp đồng ủy thác nhập khẩu rõ ràng giữa hai bên đã đáp ứng đúng các quy định tại Khoản 1 Điều luật này
- Ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo đúng quy định tại Nghị định 38/2015/CP-NĐ
- Cam kết (bằng văn bản) về việc tái xuất/xử lý phế liệu nếu không đáp ứng đủ yêu cầu về bảo vệ môi trường;
- Không được phép lưu trữ phế liệu nhập khẩu nếu không có kho bãi đảm bảo các điều kiện do pháp luật quy định.
Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu
Thẩm quyền cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu cho các cá nhân, tổ chức được quy định như sau:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị có thẩm quyền cấp, cấp phát lại hoặc thu hồi giấy phép trong các trường hợp:
- Cá nhân, tổ chức sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để phục vụ hoạt động sản xuất có khối lượng nhập khẩu được quy định tại Phụ lục 1 được ban hành kèm theo Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường khi nhập khẩu phế liệu.
- Cá nhân, tổ chức nhận uỷ thác làm thủ tục nhập khẩu phế liệu về Việt Nam cho các cá nhân, tổ chức sử dụng phế liệu nhập khẩu để phục vụ sản xuất.
- Sở Tài nguyên và Môi trường có quyền cấp, cấp phát lại hoặc thu hồi giấy phép đối với các cá nhân, đơn vị trực tiếp nhập khẩu phế liệu dùng làm nguyên liệu sản xuất và không thuộc các trường hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền.
Các bước xin giấy phép nhập khẩu phế liệu
Để được cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu về Việt Nam, bạn cần thực hiện theo các bước như sau:
- Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ đến các cơ quan có thẩm quyền để được xem xét và cấp giấy phép. Bạn có thể đến nộp hồ sơ trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện.
- Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý hồ sơ. Tùy từng trường hợp mà Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Sở Tài Nguyên và Môi trường sẽ có thẩm quyền và trách nhiệm xử lý hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu phế liệu. Thông thường, trong thời gian 5 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét và quyết định có cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu hay không.
- Bước 3: Trả kết quả. Nếu hồ sơ của bạn hợp lệ, đáp ứng đủ điều kiện thì sẽ tiến hành cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu trong vòng 15 ngày làm việc. Lưu ý, giấy phép nhập khẩu phế liệu có thời hạn sử dụng trong vòng 3 năm kể từ ngày cấp. nếu hồ sơ không hợp lệ, cơ quan xử lý sẽ trả hồ sơ về hoặc yêu cầu bạn bổ sung thêm các thông tin, giấy tờ cần thiết.
Thủ tục nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam
Thủ tục nhập khẩu phế liệu về Việt Nam được tiến hành dựa trên các cơ sở pháp lý gồm:
- Luật bảo vệ môi trường năm 2014
- Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ
- Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ
Chuẩn bị hồ sơ
Theo điều 60 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP (được sửa đổi ở Nghị định số 40/2019/NĐ-CP), các cá nhân, tổ chức nhập khẩu phế liệu phục vụ sản xuất tiến hành khai thông tin và nộp chứng từ điện tử hồ sơ nhập khẩu phế liệu để làm thủ tục thông quan hàng hóa thông qua Cổng thông tin một cửa Quốc gia.
Bộ hồ sơ làm thủ tục nhập khẩu phế liệu cần phải có:
- Bản kê khai thông tin về lô hàng nhập khẩu theo Mẫu 06 Phụ lục VI Mục III Phụ lục ban hành đi kèm với Nghị định.
- Các tài liệu có liên quan đến phế liệu nhập khẩu như: Bản sao hợp đồng mua bán; danh mục phế liệu; bản sao vận đơn, hoá đơn, tờ khai hàng hoá nhập khẩu (có chữ ký xác thực); chứng chỉ chất lượng do nước xuất khẩu cấp (nếu có); chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (nếu có); ảnh hoặc bản mô tả chi tiết phế liệu.
- Văn bản xác nhận đã ký quỹ đảm bảo phế liệu nhập khẩu (sao từ bản chính có xác thực chữ ký điện tử của cá nhân hoặc đơn vị nhập khẩu).
Trách nhiệm của Hải quan
Khi tiến hành thủ tục nhập khẩu phế liệu về Việt Nam, trách nhiệm của cơ quan Hải quan được quy định gồm:
- Kiểm tra hồ sơ phế liệu nhập khẩu có hợp lệ hay không và cho phép cá nhân, tổ chức đưa phế liệu nhập khẩu về bảo quản tại địa điểm kiểm tra chất lượng đã được cá nhân, tổ chức lựa chọn theo quy định Pháp luật về bảo vệ môi trường và Hải quan;
- Kiểm tra hàng hóa đối với phế liệu nhập khẩu theo quy định Pháp luật; không lấy mẫu, kiểm định chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
- Hải quan làm thủ tục thông quan phế liệu nhập khẩu theo quy định của pháp luật sau khi nhận được chứng thư giám định chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
- Nếu có khiếu nại, tố cáo hoặc dấu hiệu vi phạm Pháp luật trong quá trình nhập khẩu, giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu của cá nhân, tổ chức, Hải Quan phải phối hợp với nơi cấp giấy xác nhận hoặc cơ quan chuyên trách về bảo vệ môi trường cấp tỉnh nơi diễn ra sản xuất, sử dụng phế liệu nhập khẩu tiến hành trưng cầu tổ chức giám định được chỉ định để tiến hành giám định lại. Chứng từ giám định lại là căn cứ pháp lý cuối cùng để làm thủ tục hải quan hoặc xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Hải quan có trách nhiệm chia sẻ thông tin về khối lượng, chủng loại, chất lượng của phế liệu nhập khẩu được cá nhân, đơn vị nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất đã được thông quan cho nơi cấp giấy xác nhận và cơ quan chuyên trách về bảo vệ môi trường cấp tỉnh ở nơi sản xuất, sử dụng phế liệu nhập khẩu thông qua Cổng thông tin một cửa Quốc gia.
- Nơi cấp Giấy xác nhận, cơ quan chuyên trách về bảo vệ môi trường cấp tỉnh có quyền kiểm tra, thanh tra đột xuất các hoạt động nhập khẩu, sản xuất, sử dụng phế liệu và kiểm tra, giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu theo quy định Pháp luật ngoài kế hoạch thường niên khi phát hiện dấu hiệu vi phạm Pháp luật hoặc thực hiện theo yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc do cơ quan có thẩm quyền giao phó.
- Nếu phế liệu nhập khẩu có chứng từ giám định không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường, Hải quan sẽ chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên trách về bảo vệ môi trường cấp tỉnh và nơi cấp Giấy xác nhận (nếu cần) để xem xét, xử phạt vi phạm theo đúng quy định Pháp luật.
Trách nhiệm của tổ chức giám định
Tổ chức giám định là tổ chức được chỉ định tiến hành kiểm tra, giám định chất lượng của phế liệu nhập khẩu theo quy định Pháp luật. Việc lấy mẫu và kiểm tra phế liệu nhập khẩu tại hiện trường của tổ giám định (chỉ định) được giám sát bởi Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu phế liệu.
Nội dung kiểm tra, giám định chất lượng tiến hành theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường. Tỷ lệ kiểm tra ngẫu nhiên đối với phế liệu nhập khẩu được thực hiện dựa trên mức độ quản lý rủi ro theo quy định Pháp luật, nhưng cần đảm bảo kiểm tra tối thiểu 10% số lượng/khối lượng của lô hàng. Sau đó thành lập biên bản kiểm tra.
Sau khi kiểm tra xong, tổ giám định được chỉ định cung cấp chứng thư giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu theo Mẫu số 08 Phụ lục VI Mục III Phụ lục ban hành kèm chức giám định gửi biên bản kiểm tra, giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu và chứng từ giám định (văn bản điện tử có chữ ký số hoặc bản quét của bản chính được xác thực bằng chữ ký điện tử của tổ giám định) lên Cổng thông tin một cửa Quốc gia. Đồng thời gửi bản chính cho cá nhân, đơn vị nhập khẩu phế liệu.
Điều kiện miễn kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu phế liệu
Cá nhân, đơn vị tiến hành thủ tục nhập khẩu phế liệu phục vụ sản xuất đáp ứng các điều kiện dưới đây được miễn kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu trong thời hạn của Giấy xác nhận đã cấp:
- Phế liệu nhập khẩu có cùng kiểu loại, tên, đặc tính về kỹ thuật và xuất xứ từ một nhà cung cấp, một quốc gia hoặc phế liệu nhập khẩu đã có kết quả chứng nhận, giám định chất lượng được thừa nhận theo quy định Pháp luật.
- Sau khi đã nhập khẩu 5 lần liên tiếp, phế liệu nhập khẩu có chứng từ giám định chất lượng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường, được Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận bằng văn bản miễn kiểm tra chất lượng.
- Cá nhân, đơn vị nhập khẩu lập chứng từ điện tử đề nghị miễn kiểm tra chất lượng gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường qua Cổng thông tin một cửa Quốc gia, gồm:
- Văn bản đề nghị miễn kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu theo Mẫu số 09 Phụ lục VI Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
- Chứng từ giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường của 5 lần nhập khẩu liên tiếp trước đó (bản quét từ bản chính có xác thực bằng chữ ký điện tử của cá nhân, đơn vị nhập khẩu).
- Quy trình tiếp nhận thông tin, trao đổi, phản hồi và trả kết quả xét miễn kiểm tra chất lượng đối với phế liệu nhập khẩu được thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 56b của Nghị định 38/2015/NĐ-CP.
Kết luận
Trên đây là một số thông tin quan trọng mà bạn cần nắm khi làm thủ tục nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam để phục vụ cho hoạt động sản xuất. Hy vọng những chia sẻ của SEC Warehouse sẽ hữu ích với bạn đọc. Và đừng quên tiếp tục theo dõi những bài viết trên Website của chúng tôi để cập nhật thêm nhiều kiến thức về xuất nhập khẩu cũng như kinh nghiệm lưu kho hữu ích.