Khám phá chi tiết hồ sơ, thủ tục nhập khẩu máy phát điện và các chính sách có liên quan với bài viết sau đây của SEC Warehouse.
Ngày nay, máy phát điện ngoại nhập đang chiếm ưu thế rõ ràng trên thị trường nước ta và trở thành sự lựa chọn của rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp bởi chất lượng và sự uy tín cao. Đứng trước nhu cầu thị trường ngày một cao ấy, rất nhiều đơn vị đã tham gia nhập khẩu và kinh doanh máy phát điện.
Vậy chi tiết thủ tục nhập khẩu máy phát điện như thế nào? Mặt hàng này có nằm trong danh mục hạn chế nhập khẩu hay áp dụng chính sách đặc biệt nào không? Tất cả sẽ được SEC Warehouse giải đáp chi tiết ngay sau đây.
Các nội dung chính của bài viết
1. Mã HS của máy phát điện
Một trong những yếu tố không thể bỏ qua khi làm thủ tục nhập khẩu máy phát điện đó là tìm hiểu về mã HS của mặt hàng này. Tùy thuộc vào cấu tạo, cơ chế vận hành hay mục đích sử dụng… mà máy phát điện được phân thành nhiều loại khác nhau và mỗi loại có một mã HS riêng. Nắm rõ các mã HS này, doanh nghiệp sẽ biết được mặt hàng của mình cần phải tuân thủ những chính sách pháp lý nào và các vấn đề về thuế.
Mặt hàng máy phát điện nằm ở phần XVI, chương 85, phân nhóm 8501: Động cơ điện và máy phát điện (trừ tổ máy phát điện). Tùy vào cách thức hoạt động và công suất của máy, mã HS được quy định cụ thể.
Nhóm mã 8501 (Động cơ điện và máy phát điện):
- 85013150 – Máy phát điện một chiều (Công suất dưới 750 W)
- 85013223 – Máy phát điện một chiều (Công suất trên 750W, nhỏ hơn 37.5KW)
- 85013233 – Máy phát điện một chiều (Công suất trên 37.5 KW, nhỏ hơn 75KW)
- 850161 – Máy phát điện xoay chiều (Công suất nhỏ hơn 750W)
- 850162 – Máy phát điện xoay chiều (Công suất trên 75kVA, nhỏ hơn 375 kVA)
- 850163 – Máy phát điện xoay chiều (Công suất trên 375kVA, nhỏ hơn 750 kVA)
- 850164 – Máy phát điện xoay chiều (Công suất lớn hơn 750kVA)
Kết quả kiểm tra của Hải quan và kết quả của Cục Kiểm định hải quan là cơ sở pháp lý để áp mã HS đối với hàng hóa nhập khẩu.
2. Thuế nhập khẩu máy phát điện
Căn cứ vào Biểu thuế xuất nhập khẩu 2022 và các chính sách hiện hành, máy phát điện phải chịu mức thuế như sau:
- Thuế nhập khẩu: từ 0 đến 20% (Tùy theo từng mã HS)
- Thuế giá trị gia tăng (VAT): 10%
- Thuế suất ACFTA: 0% (Theo Hiệp định thương mại tự do)
Tìm hiểu thêm: Cách tính thuế nhập khẩu hàng hoá mới nhất.
3. Căn cứ pháp lý và điều khoản liên quan thủ tục nhập khẩu máy phát điện
Trên thị trường hiện nay đang có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu và kinh doanh máy phát điện ngoại nhập. Tuy nhiên, để thực hiện các thủ tục nhập khẩu máy phát điện theo đúng quy định của pháp luật, doanh nghiệp cần nắm rõ được căn cứ pháp lý và chính sách có liên quan.
3.2. Căn cứ pháp lý
- Nghị định số 187/2013/NĐ-CP Luật Thương mại quy định rõ một số mặt hàng bị cấm xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, máy phát điện mới không nằm trong danh sách bị cấm này. Do đó, các doanh nghiệp có thể tiến hành nhập khẩu mặt hàng này về Việt Nam và kinh doanh bình thường.
- Thông tư 33/2017/TT-BCT quy định các mặt hàng có khả năng gây mất an toàn, thuộc sự quản lý của Bộ Công Thương, trong đó có máy phát điện phòng nổ.
- Quyết định số 11039/QĐ-BCT ban hành các danh mục các sản phẩm, hàng hóa chịu quản lý của Bộ Công Thương phải được kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng và quy chuẩn kỹ thuật.
- Công văn số 1786/TCHQ-QSQL Tổng cục Hải quan về việc dán nhãn năng lượng và kiểm tra hiệu suất năng lượng của thiết bị.
- Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg ban hành một số danh mục các thiết bị phải dán nhãn năng lượng và đo lường hiệu suất năng lượng tối thiểu.
3.1. Các điều khoản liên quan đến thủ tục nhập khẩu máy phát điện
- Điều 1 – Thông tư 33/2017/TT-BCT đề cập đến các mặt hàng, sản phẩm có nguy cơ gây mất an toàn thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương, kèm theo phụ lục danh sách các mặt hàng và mã HS của chúng. Theo thông tư này, máy phát điện phòng nổ thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương và cần phải kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt. Máy phát điện bình thường khi nhập khẩu sẽ không cần trải qua kiểm tra chất lượng. Vì thế, doanh nghiệp nên đối chiếu phụ lục thông tư 33/2017/TT-BCT để xem mặt hàng của đơn vị mình nhập khẩu có cần kiểm tra hay không.
- Mục 1 – Công văn số 1786/TCHQ-QSQL Tổng cục Hải quan, máy phát điện nếu thuộc diện dán nhãn năng lượng thì chỉ cần kiểm tra trước khi đưa ra thị trường. Cụ thể, đơn vị nhập khẩu không cần nộp chứng nhận dán nhãn năng lượng khi làm thủ tục hải quan. Cơ quan Hải quan sẽ căn cứ vào phiếu kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu quyết định để thông quan.
- Khoản 3, điều 1 – Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg nêu rõ những mặt hàng động cơ điện cần được dán nhãn và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu. Do đó, doanh nghiệp cần đối chiếu với mặt hàng nhập khẩu, xem mặt hàng cần tuân thủ chính sách này không.
- Mục 6.15, phụ lục đi kèm quyết định số 11039/QĐ-BCT cho biết mặt hàng máy phát điện phòng nổ phải được kiểm tra kỹ lưỡng về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật trước khi cho phép thông quan.
4. Chuẩn bị hồ sơ gì khi làm thủ tục nhập khẩu máy phát điện?
Tuỳ vào loại máy, thủ tục nhập khẩu máy phát điện sẽ khác nhau. Thông thường, thủ tục nhập khẩu máy phát điện phòng nổ sẽ phức tạp hơn so với máy phát điện thông thường.
4.1. Những loại hồ sơ cần chuẩn bị khi làm thủ tục nhập khẩu máy phát điện
Đối với máy phát điện phòng nổ hay máy phát điện có công suất từ 800kVA đến 1000 KVA, doanh nghiệp cần tiến hành kiểm tra chất lượng và đo lường công suất của máy khi thực hiện thủ tục nhập khẩu máy phát điện.
Hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng cần chuẩn bị:
- Giấy đăng ký thực hiện kiểm tra chất lượng sản phẩm
- Hợp đồng mua bán máy phát điện
- Đơn vận tải
- Quy cách đóng gói
- Hóa đơn thương mại
- Chứng nhận nguồn gốc hàng hóa
Hồ sơ đăng ký tiến hành thử nghiệm hiệu suất năng lượng tối thiểu bao gồm:
- Hợp đồng thử nghiệm
- Tờ khai thông tin
- Chứng chỉ liên quan
- Bản vẽ kỹ thuật, tài liệu và hình ảnh sản phẩm
- Sản phẩm mẫu thử nghiệm
Cuối cùng, hồ sơ hải quan là một phần rất quan trọng khi thực hiện thủ tục nhập khẩu máy phát điện. Hồ sơ hải quan gồm các loại giấy tờ như sau:
- Tờ khai hải quan nhập khẩu
- Phiếu đóng gói
- Hóa đơn thương mại
- Đơn vận tải
- Giấy chứng nhận nguồn gốc sản phẩm
Với mặt hàng máy phát điện được quản lý bởi Bộ Công Thương và cần kiểm tra chất lượng và đo hiệu suất năng lượng thì trong hồ sơ hải quan doanh nghiệp cần nộp thêm Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng do Chi cục đo lường chất lượng xác nhận đã đăng ký kiểm tra.
4.2. Nơi đăng ký hồ sơ
Doanh nghiệp cần nắm rõ địa điểm nộp cụ thể của từng bộ hồ sơ và liên hệ đúng nơi cần gặp sẽ tiết kiệm thời gian đáng kể khi thực hiện thủ tục nhập khẩu máy phát điện.
Cụ thể, với hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng, doanh nghiệp cần nộp ở Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng của tỉnh/thành phố nơi hàng được nhập khẩu về. Về hồ sơ đăng ký thử nghiệm hiệu suất năng lượng và mẫu thử sẽ đem đến Trung tâm thử nghiệm được chỉ định. Còn hồ sơ hải quan sẽ được nộp tại Chi cục hải quan nơi hàng cập cảng.
5. Kết luận
Hy vọng rằng những thông tin hữu ích mà SEC Warehouse hỗ trợ tốt cho bạn trong quá trình thực hiện thủ tục nhập khẩu máy phát điện. Trong quá trình nhập khẩu và kinh doanh mặt hàng này, nếu bạn cần tìm đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hoá và thuê kho lưu trữ, hãy gọi ngay cho chú tôi qua Hotline: 0939 176 176 hoặc số điện thoại (028) 3838 2238 để được tư vấn và báo giá chi tiết.