Freight Forwarder được nhắc đến nhiều trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa. Thậm chí họ còn đóng vai trò khá quan trọng trong việc giao nhận hàng hóa, góp phần giúp việc xuất nhập khẩu hàng của các cá nhân và doanh nghiệp diễn ra trơn tru hơn.
Nhiều người vẫn truyền tai nhau rằng, Forwarder là giao nhận vận tải, đại khái là đơn vị vận chuyển – giao nhận hàng. Nhưng như vậy thì lại chưa chuẩn xác và còn mơ hồ.
Vậy khái niệm Freight Forwarder nghĩa là gì thì chính xác nhất? Công việc chính của Forwarder là làm gì và danh sách các công ty forwarder lớn tại Việt Nam?
Trong bài viết này, SEC Warehouse sẽ trình bày đầy đủ những thông tin liên quan về forwarder để bạn có thể dễ dàng tìm hiểu về forwarder cũng như biết rõ hơn về lĩnh vực tiềm năng này!
Các nội dung chính của bài viết
1. Định nghĩa Freight Forwarder là gì?
Freight Forwarder – hay mọi người vẫn thường gọi ngắn gọn Forwarder là thuật ngữ thường sử dụng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, dùng để chỉ những người hoặc công ty chuyên làm việc giao nhận vận tải.
Hay nói cách khác đơn giản hơn, nghĩa của từ forwarder chỉ người/đơn vị đứng ra làm trung gian để tiếp nhận hàng hóa của chủ hàng, hoặc thu gom hàng hóa từ nhiều lô hàng nhỏ (consolidation) rồi tập trung lại thành lô hàng đủ lớn. Sau đó, họ sẽ thuê đơn vị phù hợp (hãng tàu, hãng hàng không,…) để chuyển các lô hàng này tới điểm đích theo yêu cầu của khách.
Forwarder đáp ứng giao nhận vận tải cho đa dạng tuyến hàng. Bao gồm các tuyến quốc tế lẫn các tuyến nội địa từ Bắc vào Nam và ngược lại.
Ví dụ, một doanh nghiệp tại TP.HCM cần xuất khẩu một lô hàng trái cây sang Mỹ. Công ty này sẽ tìm thuê một đơn vị forwarder mà mình tin tưởng và trình bày nhu cầu của mình. Lúc này, forwarder sẽ tiếp nhận đơn hàng rồi liên hệ với hãng tàu uy tín, có giá tốt nhất để thuê họ chuyển đi theo thỏa thuận với khách hàng trước đó.
Nhiều người cho rằng người làm forwarder cũng như một dạng “cò” trung gian, chuyên nhận hàng rồi tìm thuê người vận chuyển để nhận tiền chênh lệch. Tình trạng này chủ yếu xuất hiện với các đơn vị nhỏ lẻ hoặc cá nhân. Trên thực tế, nếu các công ty forwarder chuyên nghiệp sẽ hỗ trợ cho chủ hàng rất nhiều, vừa giúp việc giao nhận hàng diễn ra nhanh chóng, vừa giúp chủ hàng tiết kiệm được rất nhiều công sức và tiền bạc. Bạn tìm hiểu thêm vai trò của forwarder trong nhập khẩu xuất khẩu ở mục phía dưới!
2. Vai trò của công ty Freight Forwarder là gì? Tại sao cần? Lợi ích khi sử dụng dịch vụ Freight forwarder là gì?
Vậy nếu forwarder chỉ là “cò” trung gian, đứng giữa ăn tiền chênh lệch thì tại sao chủ hàng vẫn phải tìm thuê forwarder? Tại sao chủ hàng không tự làm để tiết kiệm chi phí cho mình?
Bạn biết không, việc xuất nhập khẩu hàng hóa không hề đơn giản như việc mua bán, giao nhận hàng hóa bình thường. Và nhiệm vụ của forwarder lúc này là giúp cho chủ hàng thuận lợi hơn trong việc bán buôn của mình:
- Quá trình xuất nhập hàng tại các cảng đòi hỏi phải thực hiện rất nhiều thủ tục, theo các quy trình khá phức tạp mà chủ hàng khó có thể tự mình thực hiện suôn sẻ. Forwarder với kinh nghiệm trong ngành sẽ nắm rõ các bước cần làm, giúp xử lý nhanh chóng, vận chuyển lô hàng luôn kịp tiến độ. Bạn có thể tham khảo chi tiết quy trình làm hàng xuất nhập khẩu của forwarder tại bài viết Quy trình xuất nhập hàng hóa của Forwarder – 4 quy trình chuẩn
- Có rất nhiều hãng tàu/hàng không khác nhau với cảng đi và cảng đến khác nhau, thời gian nhập cảng cũng không giống nhau. Với mối quan hệ sẵn có của mình, forwarder sẽ nhanh chóng chọn được hãng vận chuyển và thời gian nào phù hợp nhất với lô hàng của bạn. Nếu bạn tự tìm kiếm, phải mất rất nhiều thời gian để liên hệ.
- Vì chuyên làm nhiệm vụ giao nhận vận tải, chắc chắn các forwarder sẽ dễ dàng chọn được những đối tác hãng tàu “mối quen” có mức giá tốt nhất, góp phần giảm chi phí cho bạn. Bởi bạn sẽ không thể nào tự mặc cả với hãng tàu, cũng như dễ bị “hố” nếu không phải là dân chuyên nghiệp.
- Nếu lô hàng của bạn nhỏ lẻ thì việc tự mình liên hệ hãng tàu vận chuyển chi phí sẽ cao ngất ngưỡng. Nghiệp vụ forwarder với chức năng gom hàng lẻ để đóng ghép chung container sẽ giúp các chủ hàng giảm được rất nhiều chi phí.
- Và cuối cùng là vấn đề ngôn ngữ. Chắc chắn các giao dịch sẽ sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau, đặc biệt là tiếng Anh. Vậy nên các chủ hàng có thể nhờ sự hỗ trợ của forwarder để việc giao nhận hàng thuận lợi hơn.
Chắc chắn chủ hàng sẽ bỏ ra một số tiền để thuê dịch vụ Freight forwarder. Nhưng so với số tiền và thời gian, công sức họ tiết kiệm được thì hoàn toàn xứng đáng. Đó chính là lý do mà ngày càng có nhiều chủ hàng quyết định tìm forwarder hỗ trợ để có được giải pháp tối ưu cho các chi phí vận tải và thúc đẩy hiệu quả kinh doanh.
3. Dịch vụ của Freight forwarder bao gồm những gì?
Các công việc của forwarder chủ yếu sẽ là thu xếp, liên hệ đối tác vận chuyển phù hợp. Sau đó thỏa thuận mức giá tốt nhất cho khách hàng. Bên cạnh đó, các forwarder cũng sẽ có thêm các dịch vụ phụ hỗ trợ khác khi khách hàng có nhu cầu:
- Làm thủ tục thông quan: Forwarder sẽ thay thế chủ hàng để làm hồ sơ thông quan và đóng thuế
- Dịch vụ quản lý những vấn đề liên quan đến chứng từ như giấy phép xuất nhập khẩu, vận đơn B/L, chứng nhận xuất xứ C/0.
- Tìm kiếm/cung cấp dịch vụ lưu trữ quản lý hàng tồn kho, các hoạt động khác trong chuỗi logistics.
- Chuyên tư vấn và hỗ trợ các vấn đề về thương mại quốc tế. Những khách hàng mới tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu nên tìm họ để được chia sẻ các kinh nghiệm.
4. Cách lựa chọn Freight forwarder tốt nhất
Vậy khi đã có dự định thuê forwarder thì làm sao để chọn được đơn vị tốt nhất cho mình. Một vài kinh nghiệm dưới đây sẽ giúp ích cho bạn:
- Nếu bạn có người quen đã từng làm việc với các forwarder thì thật tuyệt vời. Hãy nhờ họ tư vấn và giới thiệu cho bạn một vài forwarder mà họ cho là ổn nhất. Sự “review” thực tế từ những người bạn quen sẽ đáng tin tưởng hơn rất nhiều so với những lời quảng cáo có cánh.
- Tìm kiếm danh bạ các công ty forwarder trên internet, các trang vàng, hiệp hội forwarder Việt Nam, Hiệp hội giao nhận VIFFAS, tham khảo ý kiếm trong các forum hoặc nhóm facebook liên quan lĩnh vực logistics.
- Thông qua các cách trên, bạn lập ra danh sách các forwarder tiềm năng nhất và đánh giá lại một lần nữa:
- Kinh nghiệm và loại hình dịch vụ: Xem xét thử họ có vận chuyển loại hàng tương tự như nhu cầu của bạn hay không. Ví dụ, bạn cần chuyển hàng đông lạnh sang Úc, thì tìm hiểu thử họ đã có vận chuyển hàng đông lạnh chưa? Họ đã từng chuyển hàng tới Úc chưa,…
- Chi phí: Báo giá forwarder là bao nhiêu? Nhớ làm rõ tất cả các chi phí, hạn chế có phát sinh sau này. Bạn so sánh giữa bên để chọn nơi đưa ra mức tốt nhất. Cũng cần cân nhắc xem chi phí này đã thực sự tối ưu lợi nhuận cho bạn chưa nhé!
- Thái độ và sự chuyên nghiệp: Đừng quên xem xét về phong cách tư vấn của họ. Một công ty forwarder tốt sẽ nhiệt tình tư vấn, giải thích các thắc mắc cho bạn cặn kẽ.
5. Các nghề trong lĩnh vực freight forwarder là gì?
Nếu đi sâu vào lĩnh vực forwarder, có rất nhiều vị trí nghề nghiệp khác nhau. Nếu bạn là sinh viên đang học đại học, hoặc sắp tốt nghiệp ra trường khối kinh tế, hàng hải hay ngoại thương có thể trau dồi thêm để tìm kiếm các cơ hội nghề nghiệp cho mình trong lĩnh vực giao nhận vận tải này!
- Nhân viên Sales Forwarder (Nhân viên bán hàng): Được đào tạo nhằm tư vấn, báo giá và chốt sale khách hàng,…
- Customer service (nhân viên chăm sóc khách hàng): Nhiệm vụ chủ yếu là liên lạc khách hàng, giải đáp các thắc mắc, chăm sóc sau bán hàng, đôi khi tư vấn và chốt sale luôn…Nhiều đơn vị thì Customer service và nhân viên Sales là một.
- Documentation/Document Staff (Nhân viên Chứng từ): Giữ trách nhiệm thu thập, bổ sung, phân loại,…các loại chứng từ cần thiết trong quá trình forwarding.
- Nhân viên giao nhận xuất nhập khẩu – Nhân viên Khai thác (Operation Staff): Người này sẽ book chỗ, xuất nhập container, có khi sẽ thông quan hàng hóa…
- Customs clearance (Nhân viên Thông quan): thực hiện các hoạt động khai báo nhằm đảm bảo quá trình thông quan diễn ra nhanh chóng nhất.
- Trucking operation (Quản lý vận tải bộ): Các công tác quản lý, điều hành các vấn đề liên quan đến vận tải đường bộ.
6. Danh sách các công ty Freight Forwarder tại TPHCM và Hà Nội
Nhiều Freight forwarder Việt Nam hiện nay là cá nhân hoặc các công ty nhỏ lẻ, dễ thành lập mà cũng dễ giải thể. Do đó bạn chỉ nên lựa chọn forwarder khi đã hợp tác lâu dài hoặc có người quen giới thiệu về độ uy tín.
Bên cạnh đó các công ty Forwarder tại TPHCM hoặc Hà Nội cũng có một số đơn vị tên tuổi như: Vinatrans, Vitranimex, Sotrans, Vinalink,….
Trên thế giới ngành forwarder khá phổ biến. Có nhiều thương hiệu thực sự nổi tiếng với quy mô lớn như K+N (Kuehne+Nagel), Panalpina, DB Schenker, DHL, Expeditors, CEVA, Geodis, … Thông thường bên cạnh làm forwarding họ cũng có kèm các dịch vụ đa dạng khác về logistics
Chúng tôi SEC Warehouse là đơn vị cung cấp các dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa an toàn và tiện lợi