Với xu hướng toàn cầu hoá hiện nay thì việc giao dịch và mua bán hàng hóa đang dần trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều. Khi làm lô hàng xuất nhập khẩu cả người mua và người bán đều dễ dàng giao dịch thông qua phương thức thanh toán quốc tế dù là 2 tổ chức hoặc cá nhân ở 2 lãnh thổ, quốc gia ở khoảng cách địa lý xa nhau.
Cùng đọc bài viết dưới đây của SEC Warehouse để hiểu rõ thêm về các phương thức thanh toán quốc tế trong xuất nhập khẩu các bạn nhé!
Các nội dung chính của bài viết
1. Định nghĩa thanh toán quốc tế là gì?
Thanh toán quốc tế là việc thực hiện nghĩa vụ chi trả, quyền hưởng lợi về tiền tệ phát sinh. Trên cơ sở các hoạt động kinh tế và phi kinh tế. Giữa các tổ chức, cá nhân nước này với các tổ chức, cá nhân nước khác. Hay giữa một quốc gia với tổ chức quốc tế, thông qua quan hệ giữa các ngân hàng của các nước liên quan.
2. Đặc điểm của phương thức thanh toán quốc tế:
Chịu sự điều chỉnh của luật pháp và các tập quán quốc tế:
Hoạt động thanh toán quốc tế liên quan đến các chủ thể ở hai hay nhiều quốc gia. Do đó, các chủ thể khi tham gia vào hoạt động thanh toán quốc tế không những chịu sự điều chỉnh của luật quốc gia, mà còn phải tuân thủ các văn bản pháp lý quốc tế.
Phòng thương mại quốc tế ban hành UCP, URC, INCOTERMS… tạo ra một khung pháp lý bình đẳng, công bằng cho các chủ thể khi tham gia vào hoạt động thương mại và thanh toán quốc tế, tránh những hiểu lầm đáng tiếc xảy ra.
Được thực hiện phần lớn thông qua hệ thống ngân hàng:
Trong thực tiễn, người xuất khẩu và người nhập khẩu không được phép tiến hành thanh toán trực tiếp cho nhau, mà theo luật định phải thanh toán qua hệ thống ngân hàng. Việc thanh toán qua ngân hàng đảm bảo cho các khoản chi trả được thực hiện một cách an toàn, nhanh chóng và hiệu quả.
Tuy nhiên trừ một số lượng rất nhỏ hàng hóa xuất nhập khẩu được mua bán qua con đường tiểu ngạch thì hầu hết kim ngạch xuất nhập khẩu của một quốc gia được phản ánh qua doanh số thanh toán quốc tế của hệ thống ngân hàng thương mại.
Tiền mặt hầu như không được sử dụng trực tiếp
Các phương tiện thường được sử dụng trong thanh toán quốc tế như hối phiếu, kỳ phiếu và séc thanh toán.
Ít nhất một trong hai bên có liên quan đến ngoại tệ.
Do việc liên quan đến ngoại tệ, nên hoạt động thanh toán quốc tế sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của tỷ giá hối đoái và vấn đề quản lý dự trữ ngoại hối của quốc gia.
Ngôn ngữ sử dụng chủ yếu bằng tiếng Anh:
Vì là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ở trên mỗi quốc gia khác nhau sẽ có ngôn ngữ riêng. Nên khi tham gia mua bán và sử dụng hình thức thanh toán quốc tế diễn ra dễ dàng và thuận tiện thì sẽ sử dụng một ngôn ngữ duy nhất đó là tiếng anh.
Giải quyết tranh chấp chủ yếu bằng luật quốc tế:
Nếu trong trường hợp xảy ra tranh chấp thì sẽ dựa trên luật quốc tế để giải quyết. Luật quốc tế là nền tảng vững chắc để đem lại sự công bằng và là yếu tố đảm bảo lợi ích cho các bên tham gia giao dịch mua bán khi thanh toán quốc tế khi diễn ra.
3. Vai trò của phương thức thanh toán quốc tế:
– Đối với nền kinh tế: Thanh toán quốc tế góp phần mở rộng và thúc đẩy quan hệ kinh tế đối ngoại, tăng cường vị thế kinh tế của mỗi quốc gia trên thị trường quốc tế, tạo cầu nối giữa các quốc gia trong quan hệ thanh toán.
– Đối với các doanh nghiệp: Thanh toán quốc tế phục vụ nhu cầu thanh toán của các doanh nghiệp trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế diễn ra dễ dàng và nhanh chóng hơn.
– Đối với các ngân hàng thương mại: Thanh toán quốc tế tạo doanh thu dịch vụ, thúc đẩy các hoạt động khác của ngân hàng ngày càng phát triển hơn.
4. Các phương thức thanh toán quốc tế trong xuất nhập khẩu hiện nay:
Hiện nay có 6 phương thức thanh toán quốc tế cơ bản như sau:
4.1 Phương thức chuyển tiền (Remittance):
Là phương thức mà trong đó khách hàng (người yêu cầu chuyển tiền) yêu cầu ngân hàng của mình chuyển một số tiền nhất định cho một người khác (người hưởng lợi) ở một địa điểm nhất định bằng phương tiện chuyển tiền do khách hàng quy định.
Các bên tham gia
- Người nhập khẩu – người chuyển tiền (Remitter)
- Người xuất khẩu – người thụ hưởng (Beneficiary)
- Ngân hàng của người nhập khẩu – ngân hàng chuyển (Remitting Bank)
- Ngân hàng của người xuất khẩu – ngân hàng đại lý (Corresponding Bank)
Quy trình thực hiện:
- Người nhập khẩu viết giấy yêu cầu chuyển tiền (lệnh chuyển tiền). Sau đó gửi đến ngân hàng phục vụ mình đề nghị chuyển tiền cho người xuất khẩu nước ngoài.
- Ngân hàng chuyển tiền ra lệnh cho ngân hàng đại lý của mình tại nước ngoài chuyển tiền và gửi giấy báo nợ tới ngân hàng nhập khẩu.
- Ngân hàng đại lý bên đầu nhập gửi tiền và giấy báo nợ cho bên xuất khẩu.
- Khi nhận được tiền, người xuất khẩu giao hàng theo yêu cầu.
- Trước thời điểm số tiền được chuyển hoàn thì số tiền thuộc sở hữu người chuyển tiền có quyền hủy lệnh chuyển tiền, bên hưởng tiền không có quyền khiếu nại.
Các phương thức chuyển tiền hiện tại
- Chuyển tiền bằng điện (Telegraphic Transfer Remittance) (T/T): thời gian chuyển rất nhanh, người chuyển tiền phải trả thủ tục phí và chi phí điện tín. Đây là phương pháp được áp dụng nhiều nhất hiện nay.
- Chuyển tiền bằng thư (Mail Transfer Remittance) (M/T): thời gian chuyển lâu, chi phí thấp.
4.2 Phương thức nhờ thu (Collection):
Nhờ thu là hình thức thanh toán sau khi nhà xuất khẩu gửi hàng cho nhà nhập khẩu sẽ đồng thời gửi chứng từ cho ngân hàng của mình để thu hộ tiền của ngân hàng người nhập khẩu. Chứng từ nhờ thu trong quy định là những chứng từ tài chính và/ hoặc chứng từ thương mại. Đây là phương pháp vai trò của ngân hàng thể hiện rất rõ ràng, đảm bảo an toàn cho 2 bên xuất – nhập khẩu.
- Chứng từ tài chính: hối phiếu, kỳ phiếu, séc hoặc những chứng từ liên quan đến mục đích chi trả.
- Chứng từ thương mại: Hóa đơn, vận tải đơn, các chứng từ về quyền sở hữu hoặc bất cứ chứng từ nào không phải là chứng từ tài chính.
Phương thức nhờ thu gồm 2 loại:
- Nhờ thu trơn (clean collection) là chỉ thu lại chứng từ tài chính không kèm theo chứng từ thương mại.
- Nhờ thu chứng từ (documentary collection) là nhờ thu kèm cả 2 loại chứng từ thương mại và tài chính. Hoặc chứng từ thương mại không kèm chứng từ tài chính.
Các bên tham gia:
- Người ủy nhiệm (Principal): là người ủy quyền xử lý nghiệp vụ nhờ thu cho ngân hàng, thường đồng nhất với người xuất khẩu hay người hưởng lợi.
- Ngân hàng chuyển chứng từ (Remitting bank): là ngân hàng đại diện cho người nhờ thu chỉ định, ngân hàng này có nghĩa vụ tiếp nhận chứng từ từ người uỷ thác nhờ thu theo những điều kiện mà người nhờ thu đặt ra để thu hộ tiền cho họ, khi nhận chứng từ như thế nào thì sẽ chuyển đi như vậy. Thường đồng nhất với ngân hàng phục vụ nhà xuất khẩu.
- Ngân hàng xuất trình (Presenting bank): là ngân hàng ở nước người nhập khẩu, thực hiện chuyển giao chứng từ nhờ thu cho người nhập khẩu theo đúng chỉ thị nhờ thu.
- Ngân hàng thu hộ (Collecting bank): là ngân hàng đại diện cho người trả tiền. Là bất kỳ ngân hàng nào có liên quan đến nghiệp vụ nhờ thu nhưng không phải là ngân hàng chuyển chứng từ, thường được hiểu chung nghĩa với ngân hàng xuất trình. Trường hợp ngân người xuất khẩu không nêu rõ thông tin thì ngân hàng này có thể do ngân hàng chuyển chỉ định.
- Người trả tiền (Drawee): là người được xuất trình chứng từ theo đúng chỉ thị nhờ thu, thường đồng nhất với nhà nhập khẩu.
4.3 Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ (Letter of credit):
L/C được hiểu là văn bản do ngân hàng nhập khẩu phát hành cam kết trả tiền cho người xuất khẩu sau khi người này xuất trình bộ chứng từ hợp lệ. Do đó L/C này được gọi là L/C thương mại hay L/C chứng từ. L/C được lập trên cơ sở các điều khoản trong hợp đồng nhưng hoàn toàn độc lập với hợp đồng.
Đặc điểm phương thức thanh toán L/C
L/C được chia làm nhiều loại như sau:
- Thư tín dụng có thể hủy bỏ (Revocable L/C)
- Thư tín dụng không thể hủy ngang (Irrevocable L/C)
- Thư tín dụng có xác nhận (Confirmed L/C)
- Thư tín dụng chuyển nhượng (Transferable L/C)
- Thư tín dụng giáp lưng (Back to Back L/C)
- Thư tín dụng tuần hoàn (Revolving Letter of Credit)
- Thư tín dụng dự phòng (Standby Letter of Credit)
- Thư tín dụng đối ứng (Reciprocal L/C)
- Thư tín dụng có điều khoản đỏ (Red Clause L/C)
Bài viết liên quan: L/C là gì? Điều kiện để mở thử tín dụng L/C
Các bên tham gia:
- Người yêu cầu phát hành thư tín dụng: người nhập khẩu hoặc người nhập khẩu ủy thác cho một người khác
- Ngân hàng phát hành thư tín dụng: là ngân hàng nước của người nhập khẩu.
- Ngân hàng yêu cầu (Applicant bank): Là chi nhánh của ngân hàng phát hành). Ở Việt Nam, người yêu cầu phát hành L/C phải thông qua chi nhánh của Ngân hàng phát hành để đệ đơn yêu cầu phát hành L/C. Ngân hàng phát hành ủy thác cho chi nhánh của mình tiếp nhận đơn yêu cầu phát hành L/C.
- Người hưởng lợi thư tín dụng. (Beneficiary): Là người xuất khẩu hoặc bất cứ người nào khác mà người hưởng lợi chỉ định.
- Ngân hàng thông báo thư tín dụng. (Advising bank): Là ngân hàng đại lý của ngân hàng phát hàng ở nước người hưởng lợi.
4.4 Phương thức ghi sổ (Open Account):
Là phương thức thanh toán mà người bán mở một tài khoản để ghi nợ người nhập khẩu trả tiền cho người xuất khẩu vào thời điểm xác định trong tương lai. Phương thức này chỉ thuận tiện và an toàn trong trường hợp hai bên thực sự tin cậy lẫn nhau. Đã từng mua bán hàng nhiều lần và người mua có uy tín thanh toán.
Đặc điểm:
- Là một phương thức thanh toán không có sự tham gia của ngân hàng. Với chức năng là người mở tài khoản và thu tiền cho người ghi sổ.
- Chỉ mở sổ đơn biên, không mở sổ song biên. Nếu người bị ghi sổ mở sổ để theo dõi thì sổ đó không có giá trị quyết toán giữa hai bên.
- Phương thức này chỉ có hai thành phần tham gia là: người ghi sổ và người bị ghi sổ.
- Giá cả hàng hóa ghi trên hợp đồng cơ sở của phương thức ghi sổ thường cao hơn giá cả hàng hóa ghi trên hợp đồng cơ sở khi trả tiền ngay.
- Phương thức thanh toán ghi sổ về thực chất là phương thức tài trợ nhập khẩu. Do đó, rủi ro sẽ thuộc về người bị ghi sổ.
Các bên tham gia:
Chỉ có bên xuất khẩu và nhập khẩu. Ngân hàng chỉ đóng vai trò là bên mở tài khoản và thực hiện thanh toán. Dựa trên từng thời điểm đã thỏa thuận thanh toán của bên nhập khẩu gửi cho bên xuất khẩu.
Quy trình thực hiện:
- Bên xuất khẩu giao hàng/ dịch vụ và gửi chứng từ cho bên nhập khẩu nhận hàng
- Bên xuất khẩu ghi nợ vào tài khoản và báo nợ trực tiếp cho bên nhập khẩu
- Định kỳ thanh toán (tháng, quý hoặc nửa năm). Bên nhập khẩu chuyển tiền qua ngân hàng thanh toán cho bên xuất khẩu hoặc thanh toán bằng séc.
4.5 Phương thức thư ủy thác mua hàng (Authority to Purchase – A/P):
Thư ủy thác là thư do ngân hàng nước nhà nhập viết cho ngân hàng đại lý ở nước ngoài. Theo yêu cầu của người nhập khẩu yêu cầu ngân hàng này thay mặt để mua hối phiếu của người ký phát cho người nhập khẩu.
Ngân hàng đại lý căn cứ vào điều khoản của thư ủy thác mua mà trả tiền cho hối phiếu. Ngân hàng bên mua thu tiền của người nhập khẩu và giao chứng từ cho họ.
Đặc điểm:
Phương thức này áp dụng chủ yếu trong các hợp đồng mua bán máy móc, thiết bị, các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật và công nghệ cao.
Có hai cách thức chuyển tiền sang ngân hàng của nước xuất khẩu để mua hàng:
- Người nhập khẩu thông qua ngân hàng của mình chuyển tiền đặt cọc 100% sang ngân hàng nước xuất khẩu để ngân hàng này phát hành A/P.
- Người nhập khẩu yêu cầu ngân hàng của mình phát hành A/P cho ngân hàng đại lý ở nước xuất khẩu hưởng và đặt cọc 100% trị giá của A/P. Trên cơ sở A/P đó, ngân hàng nước xuất khẩu phát hành một A/P đối ứng cho người thụ hưởng là nhà xuất khẩu.
4.6 Bảo lãnh và tín dụng dự phòng
Bảo lãnh là việc người thứ ba (người bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (người nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (người được bảo lãnh) nếu khi đến thời hạn mà người được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Trong giao dịch xuất nhập khẩu thường có các bảo lãnh: bảo lãnh thực hiện hợp đồng; bảo lãnh trả tiền ứng trước (hoặc tiền cọc); bảo lãnh hàng máy móc, thiết bị; bảo lãnh nhận hàng chưa có vận đơn gốc; bảo lãnh thanh toán,…
Thư tín dụng dự phòng là cam kết không hủy ngang, độc lập, bằng văn bản ràng buộc khi được phát hành. Trong đó người phát hành cam kết với người thụ hưởng thanh toán chứng từ xuất trình trên bề mặt phù hợp với các điều khoản và điều kiện của thư tín dụng dự phòng theo đúng nguyên tắc.
Người phát phải thanh toán chứng từ xuất trình bằng việc chuyển tiền theo phương thức trả tiền ngay. Hoặc chấp nhận hối phiếu của người thụ hưởng hoặc cam kết trả tiền sau hoặc chiết khấu.
Đặc điểm:
Bảo lãnh hoặc thư tín dụng dự phòng được sử dụng kết hợp với các phương thức thanh toán khác để tăng độ an toàn cho các bên.
Do vậy, trong các giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế, đặc biệt đối với các hàng hóa có giá trị lớn như máy móc, thiết bị các bên cũng nên xem xét và áp dụng các biện pháp bảo lãnh hoặc thư tín dụng dự phòng.
Hy vọng rằng qua bài viết trên đây của SEC Warehouse các bạn có thể hiểu rõ hơn về các phương thức thanh toán quốc tế trong xuất nhập khẩu hiện nay. Hãy theo dõi chúng tôi để có thể tham khảo nhiều bài viết bổ ích khác nhé!
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết về “Kiến thức xuất nhập khẩu” hay nhất của SEC Warehouse nhé!