Theo báo cáo của hai tổ chức McKinsey và Oxford Economics, có nhiều kịch bản dự báo xu hướng logistics toàn cầu hậu Covid – 19 được đưa ra. Trong đó, theo kịch bản khả quan A1 – khi dịch bệnh được khống chế tốt và can thiệp kinh tế hiệu quả một phần thì vẫn có nhiều tác động trên nhiều phương diện. Mức độ ảnh hưởng sẽ tùy thuộc vào tính chất hàng hóa và mức độ làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Các nội dung chính của bài viết
Dự báo xu hướng logistics toàn cầu hậu Covid-19 – Những con số
Dịch Covid -19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, và được dự báo là sự ảnh hưởng mạnh mẽ hơn mọi cuộc khủng hoảng nào gần đây. Dưới đây là những kịch bản dự báo xu hướng logistics toàn cầu hậu covid-19 được các tổ chức dự báo.
Trong kịch bản A1 mà báo cáo của hai tổ chức McKinsey và Oxford Economics đưa ra, thì dù dịch bệnh được khống chế tốt và can thiệp kinh tế hiệu quả một phần thì các lĩnh vực kinh tế cũng sẽ chịu tác động không hề nhỏ.
Ví dụ, theo kịch bản A1, khối lượng thương mại của ngành ô tô (thuộc nhóm hàng hóa bền bỉ đắt tiền) dự kiến sẽ giảm tới hơn 50% . Nguyên nhân là bởi nhiều nhà máy bị ngừng hoạt động do dịch bệnh trong thời gian dài, cùng với đó là sức mua của người dùng cũng sụt giảm vì thu nhập bị gián đoạn hoặc giảm.
Mặt hàng ngũ cốc – được xem là một nhu yếu phẩm, thì khối lượng giao dịch cũng giảm khoảng 5%. Con số này không lớn vì khi dịch bệnh xảy ra, xu hướng hạn chế ra ngoài, người dân ở nhà sẽ nhiều hơn, kéo theo nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tại nhà tăng lên bù đắp cho hoạt động tiêu dùng bên ngoài. Tuy nhiên quá trình lưu thông cũng phần nào bị ảnh hưởng khiến khối lượng giao dịch giảm.
Kịch bản A1 dự báo, trong quý II năm 2020, khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không sẽ giảm khoảng 14% so với thời điểm trước dịch bệnh. Và tình hình sẽ khó có thể lấy lại “phong độ” của năm 2019 cho tới giữa năm 2022.
Nhu cầu vận tải đường biển cũng sẽ bị sụt giảm tương tự, quá trình khôi phục dự báo sẽ kéo dài hơn. Tỉ lệ sụt giảm của hàng khô và hàng container dự báo lần lượt sẽ là 14% và 16%. Theo nhận định, đối với vận tải đường biển thì phân khúc hàng khô vì chứa các mặt hàng thiết yếu như nông sản nên sẽ ít bị ảnh hưởng hơn như hàng container.
Phân tích sâu hơn trong phân khúc hàng container, thì do có doanh thu cao hơn và chi phí nhiên liệu nhiều hơn mức trung bình, nên các đơn vị hai mươi feet (TEUs) dự báo sẽ bị ảnh hưởng lớn hơn, khiến khối lượng vận chuyển có thể lên tới 19% so với trước thời điểm khủng hoảng vì dịch bệnh.
Xem thêm: Cách tra cứu thông tin container online nhanh chóng và chính xác
Tùy theo diễn biến dịch bệnh ở từng quốc gia, từng khu vực mà tác động của khủng hoảng do dịch bệnh cũng có sự thay đổi. Ví dụ, theo kịch bản A1 thì đối với container đường biển, mức nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Nam Mỹ sang Châu Âu sẽ giảm khoảng 6% (chủ yếu là nông sản), trong khi con số này có thể lên tới 20% đối với một số mặt hàng xuất khẩu của châu Á (chủ yếu là thiết bị máy móc).
Trong các kịch bản còn lại, thì con số giảm có thể sẽ ít hơn, khoảng 2-11% (đối với kịch bản A3 – dịch bệnh được kiểm soát nhanh chóng hiệu quả). Hoặc cũng có thể tồi tệ hơn, sụt giảm lên mức 8-27% (kịch bản B2 – các can thiệp y tế không hiệu quả).
Cũng theo các kịch bản của McKinsey và Oxford Economics, thì có vẻ như hàng xuất khẩu của châu Á sẽ bị tác động nhiều hơn so với hàng nhập khẩu. Và các tuyến thương mại phía Đông dường như sẽ chịu tác động nặng hơn so với phía Nam trong cuộc khủng hoảng này. Thêm vào đó, mức độ tác động tổng thể của dịch bệnh sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt phải kể đến khả năng hồi phục của các trung tâm, thị trường sản xuất và tiêu thụ, mà nổi bật là nền kinh tế của Hoa Kỳ, Châu Âu và Trung Quốc.
Xu hướng logistics toàn cầu hậu Covid-19: Thách thức và cũng là cơ hội
Không thể phủ nhận những ảnh hưởng nặng nề của Covid – 19 đối với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh các thách thức mà dịch bệnh tạo ra, thì ở khía cạnh tích cực, cuộc khủng hoảng do Covid – 19 cũng mang tới nhiều cơ hội cho các công ty về hậu cần kho vận và chuỗi cung ứng.
Các doanh nghiệp được gia nhập vào các thị trường mới mẻ, liên tục cải tiến các dịch vụ, đồng thời nỗ lực nhiều hơn để vượt lên các đối thủ khác đang bị ảnh hưởng nặng hơn từ dịch bệnh. Giờ đây, các công ty buộc phải thay đổi quan điểm trong việc kinh doanh, chuyển từ phong cách giải quyết vấn đề khẩn cấp, vấn đề tình huống sang việc lập kế hoạch, lên phương án đối với các biến động. Cần phải thay đổi để quay trở lại thị trường và đứng vững, thích nghi với một điều kiện “bình thường mới” (next normal).
Bằng cách ứng dụng mô hình “granular trade-flow” (dòng chảy thương mại), các doanh nghiệp sẽ định hình được vị thế của mình trên thị trường, và dự báo các rủi ro có thể gặp phải trên các tuyến thương mại trong cuộc khủng hoảng. Dự đoán các diễn biến tiếp theo của dịch bệnh (đợt bùng phát mới, sự biến chuyển mới, tâm lý người tiêu dùng, sự suy thoái đầu tư, sự thay đổi về nhân khẩu học, thói quen tiêu dùng bị ảnh hưởng,…) – các đơn vị chủ hàng, các đơn vị logistics cần căn cứ vào đó để xây dựng các kịch bản tương ứng, và dựa vào đó để có cách thích ứng, thay đổi chiến lược kinh doanh, sản xuất phù hợp để tồn tại trong next normal.
Riêng tại Việt Nam, thì các chuyên gia đánh giá ngành logistics đang có nhiều cơ hội vàng hậu Covid – 19. Đó là sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và các ngành công nghiệp phụ trợ. Điều này sẽ thúc đẩy năng lực phát triển và thu hút đầu tư của lĩnh vực logistics. Bên cạnh đó, với sự ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) EVFTA thì các doanh nghiệp logistics trong nước sẽ nhận được nhiều cơ hội và ưu đãi hơn. Theo báo cáo mới nhất, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tới Liên minh châu Âu (EU) tăng khoảng 20%, và dự kiến là 42,7% vào năm 2025, 44,37% vào năm 2030.
Xu hướng logistics toàn cầu hậu Covid-19: Xây dựng chiến lược đối đầu với khủng hoảng
Về cơ bản, thì hiện nay hầu như các doanh nghiệp ở các lĩnh vực đều đã dần thích ứng với khủng hoảng vì dịch bệnh, bên cạnh đó là lên kế hoạch cho một “môi trường kinh doanh mới”. Theo đó, cần xây dựng kế hoạch cụ thể để vượt qua khủng hoảng nói chung bằng ba quá trình cơ bản sau:
- Thứ nhất, xây dựng kịch bản: Các doanh nghiệp dựa trên quan điểm, sự hiểu biết và dự đoán của mình để xây dựng các kịch bản phù hợp với từng tình huống.
- Thứ hai, xây dựng chiến lược thương mại: Trên cơ sở kịch bản phù hợp nhất, xác định các cơ hội, và tập trung vào sản phẩm, chiến lược giá, chiến lược kinh doanh,…
- Thứ ba, triển khai chiến lược hoạt động: Tiến hành triển khai hoạt động, giữ vững hiệu quả kinh doanh hoặc hạn chế tối đa ảnh hưởng của khủng hoảng thông qua kịch bản đã xây dựng. Điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Theo báo cáo của hai tổ chức là McKinsey (Hoa Kỳ) và Oxford economics (của Đại học Oxford- Vương quốc Anh), có 9 kịch bản phác thảo viễn cảnh của nền kinh tế toàn cầu hậu Covid- 19, thông qua các giả định về hiệu quả của quá trình đối ứng với khủng hoảng, từ chính sách kinh tế, y tế công cộng cho tới phản ứng của các doanh nghiệp và hộ gia đình đối với các sáng kiến. Trong đó, kịch bản A1 được đánh giá là “sáng sủa” và sát với thực tế hơn cả.