Dù Ever Given đã có chút “xê dịch”, nhưng sự cố kẹt tàu ở kênh đào Suez đã có ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế toàn thế giới. Và xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng không nằm ngoài làn sóng tác động của sự cố hy hữu này.
Các nội dung chính của bài viết
Sự cố ‘đốt’ 400 triệu USD mỗi giờ
Sau khi bị mắc kẹt tại kênh đào Suez từ ngày 23/3, con tàu khổng lồ MV Ever Given đã có chút “xê dịch” tích cực. “Ever Given đã nổi trở lại vào lúc 4h30 ngày 29/3/2021 (9h30 giờ Hà Nội). Tàu hiện được đảm bảo an toàn. Thông tin thêm về các bước tiếp theo sẽ được cập nhật sau khi chúng tôi nắm được“, Nhà cung cấp dịch vụ hàng hải Inchcape đăng thông báo trên Twitter.
Nặng 220.000 tấn, dài 400 mét, việc tàu Ever Given nằm chắn ngang kênh đào Suez vừa qua khiến mọi giao thương bị ùn tắc. Đây có thể nói là một trong những tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu thế giới, với khoảng 15% lưu lượng hàng hóa toàn cầu đi qua.
Ông Marko Kolanovic, chiến lược gia của ngân hàng JP Morgan cảnh báo rằng việc con tàu mắc kẹt sẽ kéo theo một chuỗi các tác động mạnh mẽ trên toàn thế giới. Theo đó, thương mại toàn cầu sẽ bị gián đoạn, chi phí vận chuyển bằng đường biển có thể sẽ tăng phi mã. Kéo theo đó là việc gia tăng mức tiêu thụ năng lượng cho các chuyến tàu xa. Xa hơn nữa là nguy cơ lạm phát toàn cầu tăng cao.
Ngoài ra, các nhà phân tích của JP Morgan cũng nhận định rằng, chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang bị ảnh hưởng do Covid – 19, sẽ tiếp tục đứng trước khả năng bị thiệt hại nặng nề hơn bởi vụ mắc kẹt này. Trước khi con tàu được giải phóng, thì các tàu chở hàng phải tìm các tuyến đường khác xa hơn để vận chuyển hàng hóa. Điều này sẽ tốn thêm nhiều thời gian và chi phí. Điển hình, nếu tàu chọn đi hướng vòng phía nam Châu Phi, qua mũi Hảo Vọng thì sẽ tiêu tốn thêm nhiên liệu, thời gian hành trình sẽ kéo dài thêm 2 tuần so với đi qua kênh đào.
Theo một số ước tính, sự cố kẹt tàu có thể gây thiệt hại khủng cho nền kinh tế, với con số 400 triệu USD mỗi giờ. Còn nghiên cứu từ Allianz, một công ty bảo hiểm có tiếng của Đức, thì việc kênh đào Suez bị chặn sẽ khiến mỗi ngày nền thương mại toàn cầu “bốc hơi” khoảng 6-10 tỷ USD.
Hiện nay, vẫn đang có ít nhất 369 tàu hàng với trị giá hàng tỷ USD đang bị mắc kẹt. Và theo dự đoán của Maersk – một công ty vận tải biển lớn của Đan Mạch, thì ngay cả khi tàu Ever Given được giải cứu, cũng cần ít nhất 3-6 ngày các con tàu mắc kẹt ở cả hai phía mới có thể lưu thông bình thường.
Xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng
Ông Joanna Konings, nhà kinh tế gia cấp cao của ngân hàng ING cho biết, việc trì trệ này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tuyến giao thương Á – Âu. Vì Suez chính là tuyến hàng hải ngắn nhất kết nối giữa Châu Á và Châu Âu. Với chiều dài 193 km, kênh Suez giúp khoảng 20.000 tàu hàng thông thương qua lại mỗi năm giữa hai khu vực. Nếu tuyến hàng hải này không sớm được giải phóng, việc chậm trễ vận chuyển hàng hóa sẽ kéo theo giá cả nhiều mặt hàng tăng cao, như quần áo, giày dép, linh kiện, xăng dầu,…
Lãnh đạo bộ Công Thương của Việt Nam cũng cho biết, không chỉ làm tăng giá cước vận chuyển tàu biển, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Châu Âu cũng chịu tác động bởi sự cố kẹt tàu ở kênh đào Suez. Trong khi đó, Châu Âu là thị trường xuất nhập khẩu quan trọng của Việt Nam.
Cụ thể, theo lãnh đạo Bộ Công thương, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu đạt 43,7 tỉ USD, và kim ngạch nhập khẩu là 18,5 tỉ USD. Riêng trong hai tháng đầu năm 2021, thì kim ngạch xuất khẩu đạt 7,5 tỉ USD, nhập khẩu đạt 3,1 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng cao đạt 18% và 12%.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay chủ yếu lượng hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam với Châu Âu được vận chuyển qua đường biển, và qua kênh Suez. Bên cạnh tình trạng khan hiếm container, tăng cước tàu biển do Covid-19, thì sự cố tại Kênh Suez sẽ càng làm tăng thêm các khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập theo dõi sát tiến độ giải phóng tàu Ever Given. Từ đó thông tin nhanh chóng tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nắm rõ tiến độ giao hàng, làm hàng tại các cảng đầu mối để có biện pháp điều tiết phù hợp.