Giao nhận vận tải là một khâu cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, kinh doanh quy mô quốc tế. Trong bài viết, chúng tôi sẽ mô tả chi tiết cũng như làm rõ các vấn đề liên quan đến giao nhận vận tải. Điều này chắc chắn sẽ hữu ích nếu doanh nghiệp của bạn hoạt động trong lĩnh vực này.
Các nội dung chính của bài viết
1. Các khái niệm về giao nhận vận tải
Giao nhận vận tải hay còn gọi là freight forwarding được hiểu đơn giản là dịch vụ giúp hoàn thành mục đích gửi hàng từ nơi đi tới nơi đến. Theo đó đơn vị giao nhận hàng (forwarder) sẽ đứng ra ký hợp đồng vận chuyển với chủ hàng, và liên hệ với các hãng vận tải (hàng không hoặc đường bộ) để thoả thuận vận chuyển hàng hóa theo yêu cầu của khách với chi phí tốt nhất.
Theo định nghĩa chuyên ngành của FIATA (Liên đoàn quốc tế các Hiệp hội giao nhận) như sau: “Giao nhận vận tải dùng để chỉ các dịch vụ liên quan đến vận chuyển, gom hàng, xếp dỡ, lưu kho, đóng gói hay phân phối hàng hóa và các dịch vụ phụ trợ khác liên quan tới các dịch vụ nêu trên. Trong đó bao gồm (nhưng không giới hạn) ở những vấn đề như hải quan hay tài chính, khai báo, mua bảo hiểm, thu tiền hay các chứng từ liên quan tới hàng hóa.
Giao nhận vận tải quốc tế: Là dịch vụ giao nhận vận tải được thực hiện xuyên quốc gia, từ cảng biển/cảng hàng không của một quốc gia này, đến cảng biển/cảng hàng không của một quốc gia khác (có thể quá cảnh trong quá trình giao nhận vận tải). Hiện nay nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các nước diễn ra sôi động, nên hoạt động giao nhận vận tải quốc tế đóng vai trò cực kỳ quan trọng, hệt như các mạch máu lưu thông trong một thực thể sống, đóng góp lớn vào GDP của các quốc gia.
Có thể bạn quan tâm:
- Forwarder là gì và các công ty giao nhận vận tải quốc tế – nội địa lớn tại Việt Nam
- Quy trình làm hàng xuất nhập khẩu của forwarder
2. Các hình thức giao nhận vận tải
Có nhiều phương thức giao nhận vận tải. Căn cứ vào nhu cầu khách hàng, tính chất hàng hóa mà chủ hàng/forwarder sẽ lựa chọn hình thức giao nhận vận tải phù hợp và tiết kiệm tối ưu. Với một hợp đồng vận chuyển, đôi khi sẽ sử dụng 1 loại phương tiện xuyên suốt từ nơi nhận đến nơi giao hàng (vận chuyển đơn phương thức). Nhưng đôi khi cũng có sự phối hợp của nhiều phương tiện vận tải khác nhau, trường hợp này được gọi là vận tải đa phương thức. Thị trường giao nhận vận tải Việt Nam chủ yếu tập trung vào vận tải đường bộ, giao nhận vận tải đường biển, đường thủy nội địa và giao nhận vận tải hàng không.
- Vận tải đường bộ: Thường có quy mô nhỏ và mang tính chất nội địa. Thông thường sẽ là vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh thành, địa phương trong nước. Hoặc đây sẽ là thành phần hỗ trợ cho giao nhận vận tải quốc tế (ví dụ chở hàng bằng xe tải hoặc container từ điểm sản xuất hàng tới cảng biển/cảng hàng không,…)
- Vận tải đường thủy (bao gồm thủy nội địa và vận tải biển): Trong khi thủy nội địa chủ yếu vận chuyển hàng nhỏ lẻ trong nước thì tại nước ta, vận tải biển thực sự là “con át chủ bài” trong lĩnh vực giao nhận vận tải. Theo đó, vận tải biển chiếm gần 80% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. Thường phù hợp với các loại hàng rời, hàng có trọng tải lớn, giá trị không quá cao và không yêu cầu gấp rút về thời gian. Trung bình thời gian chuyển hàng kéo dài từ vài ngày đến khoảng 45 ngày tùy khoảng cách. Tham khảo thêm: Quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa của Forwarder theo đường biển
- Vận tải đường hàng không: So với vận tải đường biển thì vận tải hàng không sẽ ít thông dụng hơn. Bởi loại hình này hạn chế về chủng loại cũng như khối lượng, kích cỡ của hàng hóa. Thông thường chỉ phù hợp với vận chuyển hàng nhỏ lẻ, hàng nhẹ, hàng có giá trị cao, bưu kiện, thư tín hoặc các mặt hàng có yêu cầu thời gian giao hàng gấp rút. Chi phí cũng cao hơn so với giao nhận vận tải đường biển. Tuy nhiên trên quốc tế, đây được xem là thị trường hấp dẫn và tiềm năng bởi các ưu điểm nhưng nhanh chóng và an toàn. Tham khảo thêm: Quy trình xuất nhập hàng hóa của Forwarder theo đường hàng không
- Đường sắt: Hệ thống đường sắt Bắc – Nam tại nước ta giúp giao nhận hàng với chi phí tiết kiệm. Tuy nhiên chỉ đáp ứng được nội địa, thời gian giao nhận khá lâu và buộc phải sử dụng thêm phương tiện khác (xe tải, xe container) để chuyên chở hàng hóa đi và đến các gas.
- Đường ống: Hình thức giao nhận vận tải này rất đặc thù và không phổ biến. Thường chỉ áp dụng cho các mặt hàng đặc biệt như dầu mỏ, khí đốt, khí hóa lỏng,…Chủ yếu được sử dụng bởi các tập đoàn lớn của nhà nước, các công ty đa quốc gia,…
3. Các bên tham gia trong giao nhận vận tải
Quá trình giao nhận vận tải trải qua nhiều bước khác nhau với nhiều người tham gia, kèm theo đó là những vai trò khác nhau. Dưới đây là những người tham gia chủ yếu vào hoạt động giao nhận vận tải:
- Buyer (Người mua hàng): là người trực tiếp đứng tên trong hợp đồng thương mại và chịu trách nhiệm trả tiền mua hàng
- Seller (Người bán hàng): Trong hợp đồng thương mại đóng vai trò là người bán hàng
- Consignor là gì? (Người gửi hàng): Là người thực hiện việc gửi hàng, làm việc và ký hợp đồng dịch vụ vận tải với forwarder (người giao nhận vận tải). Đa phần thì các Consignor sẽ là người thanh toán các khoản tiền vận chuyển.
- Consignee là gì? (Người nhận hàng): là người có quyền hoặc được ủy quyền nhận hàng hóa
- Shipper (Người gửi hàng): Là người gửi hàng và ký hợp đồng với đơn vị vận tải.
- Carrier (Người chuyên chở, hay người vận chuyển): Là người thực hiện nhiệm vụ chuyển hàng từ điểm đi tới điểm nhận, căn cứ vào hợp đồng vận chuyển.
- Forwarder (người giao nhận vận tải): Là người/đơn vị đứng ra để thu xếp cho việc vận chuyển hàng. Họ sẽ đứng tên Shipper (Người gửi hàng) trong hợp đồng ký với người vận tải.
3.1 So sánh consignor và shipper
Như bạn có thể thấy, trong các nhóm người tham gia vào giao nhận vận tải, có đến 2 vị trí là người gửi hàng (consignor và shipper). Khi chuyển hóa sang tiếng Việt thì cơ bản sẽ có ý nghĩa giống nhau, chức năng cũng gần như tương tự. Nhưng trên thực tế sẽ có đôi chút khác biệt.
Sự khác nhau giữa shipper và consignor là gì? – chủ yếu là bởi cách sử dụng của các chủ thể trong quá trình thực hiện giao dịch. Ví dụ mẫu vận đơn FBL của FIATA ( FIATA Bill of lading) thì sẽ dùng từ “consignor”. Nhưng đối với vận đơn của hãng tàu chợ, thì người ta thường dùng từ “shipper” để chỉ người gửi hàng.
Để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc trong quá trình giao nhận vận tải, bạn cần lưu ý kỹ vai trò của các bên. Giúp hạn chế tối đa các sự cố như thanh toán nhầm, giao hàng nhầm,…
4. Các mặt hàng giao nhận vận tải
Hầu hết mọi loại hàng hóa hợp pháp theo quy định đều có thể thực hiện giao nhận vận tải. Tuy nhiên tùy vào chủng loại và khối lượng sẽ tương ứng với các phương thức vận chuyển nêu ở mục 2.
Các mặt hàng thường giao nhận vận tải gồm:
- Hàng đóng ghép (consolidation): Thường là hàng hóa của nhiều chủ hàng được đóng chung vào container để tiết kiệm không gian, tiết kiệm chi phí. Ví dụ như hàng giày da, đồ chơi,… thường có tính bảo quản lâu.
- Hàng thực phẩm (Foodstuffs): Thường yêu cầu điều kiện bảo quản kỹ càng. Một số loại thực phẩm sẽ đòi hỏi nhiệt độ mát hoặc đông lạnh. Vì thế cần lựa chọn tàu chuyên chở hoặc hàng không.
- Hàng siêu trường siêu trọng (Heavy cargo): là những mặt hàng có khối lượng lớn, kích thước lớn thường chọn phương thức vận tải biển để an toàn và tối ưu chi phí. Ví dụ máy móc lớn, khoáng sản, than,…
- Hàng súc vật sống (Livestock): Bao gồm vận chuyển thú cưng nhỏ bằng đường hàng không và các động vật khác với số lượng lớn bằng đường biển, đòi hỏi thêm một số giấy tờ kiểm dịch và tuân thủ các quy định đặc thù khác.
- Hàng nguy hiểm (Dangerous Goods): Hàng dễ hư hỏng (Perishables) cũng là các mặt hàng nằm trong danh sách các mặt hàng giao nhận vận tải nhưng không thông dụng. Đòi hỏi tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an toàn cũng như chất lượng sản phẩm.
5. Hợp đồng giao nhận vận tải
Hợp đồng giao nhận vận tải là văn bản bắt buộc cần có nhằm đảm bảo trách nhiệm cũng như quyền lợi của các bên trong quá trình thực hiện giao nhận hàng hóa.
Trong hợp đồng dịch vụ giao nhận vận tải cần thể hiện rõ các nội dung sau: Thông tin cụ thể của các bên đứng tên hợp đồng, loại hàng hóa, số lượng hàng hóa, địa điểm đi, địa điểm đến, trách nhiệm và quyền lợi của mỗi bên, chi phí, hình thức thanh toán,….
Tải mẫu hợp đồng giao nhận vận tải: TẠI ĐÂY
Giao nhận vận tải có nhiều điểm tương đồng với dịch vụ logistics. Điều này dễ khiến nhiều người nhầm lẫn. Để phân biệt và hiểu rõ hơn, bạn có thể tìm hiểu thêm bài viết So sánh sự khác nhau giữa Logistic và Freight forwarder