Bạn nhìn thấy nhiều loại container khác nhau xuất hiện hàng ngày trên đường với chi chít các ký hiệu, chữ số. Vậy những ký hiệu container có ý nghĩa gì? Cùng Saigon Express tìm hiểu nhé!
Container đóng một vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa quá trình vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu, giúp giảm thời gian, chi phí và tăng cường tính hiệu quả.
Trong bài viết này, Saigon Express sẽ giải thích chi tiết từng ký hiệu trên container là gì? Để thông qua đó, bạn có thể mở rộng thêm kiến thức của mình. Đặc biệt, các bạn đang làm về lĩnh vực kho bãi, logistics, thì đây là những thông tin quan trọng cần nắm nhé!
Các nội dung chính của bài viết
Container Là Gì? Tìm Hiểu Chung Về Container
Container đối với vận chuyển hàng hóa là một thùng chứa hàng có kích thước chuẩn, được thiết kế để dễ dàng xếp chồng và vận chuyển trên các phương tiện đầu kéo và tàu biển.
Màu sắc phổ biến của container thường là xanh và đỏ. Tuy nhiên tuỳ thương hiệu sẽ có thêm nhiều màu sắc khác.
Như vậy, container nói đơn giản là một thùng kín có kích thước lớn dùng để chứa hàng hoá. Thông thường sẽ được kết hợp với một xe đầu kéo gọi đầy đủ là xe container. Nhưng mọi người thường gọi (phương tiện đầu kéo + thùng container) là Container cho vắn tắt.
Có nhiều loại container được sử dụng trong ngành vận chuyển hàng hóa để đáp ứng các yêu cầu và điều kiện cụ thể của từng loại hàng.
Một số loại container phổ biến:
- Dry Van (Viết tắt DC (dry container), GP (general purpose), ST hoặc SD (Standard)): Loại container phổ biến nhất, được sử dụng để vận chuyển đa dạng loại hàng hóa khô
- Reefer Container (Viết tắt RE): Được thiết kế để kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm, thích hợp cho hàng hóa như thực phẩm tươi sống hoặc yêu cầu điều kiện lưu trữ đặc biệt.
- Flat Rack Container : Thiết kế với các bảng bên có thể gập lại, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa có kích thước lớn và không thường xuyên.
- Open Top Container : Có thể mở từ trên xuống để vận chuyển hàng hóa quá kích thước hoặc hàng hóa cần được nâng lên và hạ xuống.
- Tank Container : Được sử dụng để vận chuyển chất lỏng, thường có kích thước và kiểu dáng tương tự như một thùng chứa dầu.
- Double Door Container: Có cửa ở cả hai đầu, giúp thuận tiện cho việc nạp và dỡ hàng hóa
- Half Height Container: Thiết kế giảm chiều cao để vận chuyển hàng hóa nặng như quặng.
- Platform Container: Không có bảng bên, thích hợp cho việc vận chuyển hàng hóa cồng kềnh và có kích thước lớn.
Các loại container này đáp ứng nhu cầu đa dạng của ngành vận chuyển, giúp đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình vận chuyển hàng hóa trên toàn thế giới.
Trong bài viết này, Saigon Express sẽ tập trung giải thích về ý nghĩa ký hiệu container tiêu chuẩn (Dry Van). Các loại container khác cũng gần như tương tự.
Ý Nghĩa Các Ký Hiệu Container Là Gì?
Một container thường có rất nhiều ký hiệu. Dưới đây là một số ký hiệu cơ bản (và quan trọng) trên một container:
Số 1: Mã chủ sở hữu
Trên container, bạn sẽ thấy 4 chữ cái được in hoa. Đó gọi là mã chủ sở hữu. Trong đó, 3 chữ cái đầu tiên được gọi là tiếp đầu ngữ cont, được chủ sở hữu container đăng ký với cơ quản quản lý trực tiếp. Và chữ cái cuối cùng dùng để ký hiệu loại thiết bị trong container.
Ví dụ: Trong Mã BICU. Thì 3 chữ đầu tiên BIC dùng để chỉ tiếp đầu ngữ cont được đăng ký với cơ quản quản lý trực tiếp là cục Container Quốc tế BIC (Bureau International Des Containers Et Du Transport Intermodal)
Số 2: Số hiệu container (serial number)
Số hiệu container, còn được gọi là “serial number,” là một phần quan trọng trong mã định danh của container. Mỗi số hiệu là duy nhất và không trùng lặp giữa các container khác nhau.
Nếu số hiệu container có ít hơn 6 chữ số, thì các số 0 sẽ được thêm vào phía trước để đảm bảo rằng mã vẫn có đúng 6 chữ số.
Ví dụ: Số hiệu container 005436, Số hiệu container 136208
Điều này giúp đơn giản hóa quá trình quản lý và theo dõi container, đặc biệt trong các hệ thống quản lý logistics toàn cầu.
Số 3: Chữ số kiểm tra (Check digit)
Có thể gọi vắn tắt (Mã chủ sở hữu + Số hiệu Container (Serial Number) + con số đóng khung cuối cùng) là SỐ CONTAINER. Trong đó, con số đóng khung cuối cùng chính là Check digit.
Nguyên nhân xuất hiện con số này là do trong quá trình vận chuyển kéo dài, trải qua nhiều đối tượng sử dụng, số container sẽ xuất hiện trên nhiều chứng từ (B/L, Manifest, D/O, Tờ khai hải quan…), khả năng bị nhầm lẫn, hoặc ghi nhầm là rất cao. Check Digit là một số được thêm vào để kiểm tra tính chính xác của số container, giúp giảm thiểu rủi ro nhầm lẫn và ghi sai số container trong quá trình quản lý và theo dõi. Từ đó hạn chế rủi ro cho người dùng.
Cách tính Check Digit thường tuân theo một số quy tắc nhất định. Bằng cách tính tổng các số quy đổi từ 4 chữ cái đầu + 6 số của Serial Number, rồi đem chia cho 11. Check digit chính là số dư của phép tính đó.
Nếu Check Digit được tính không khớp với chữ số đóng khung cuối cùng của số container, có thể là đã có sơ sót xảy ra. Cần kiểm tra lại ngay lập tức.
Số 4: Ký hiệu container – Mã loại container
Mã loại container thường nằm dưới dãy số Serial Number và bao gồm 4 chữ cái và 2 số, ví dụ như 22G1, 45R1, 22T6. Cấu trúc của mã loại container được giải thích như sau:
Kí tự Đầu Tiên: Chiều Dài của Container
Số 2: Container 20 feet (cont 20′)
Số 4: Container 40 feet (cont 40′)
L: Container 45 feet (cont 45′)
M: Container 48 feet (cont 48′)
Kí tự Thứ Hai: Chiều Cao của Container
Số 0: 8 feet (8’0″)
Số 2: 8 feet 6 inches (8’6″)
Số 5: 9 feet 6 inches (9’6″)
2 Ký Tự Cuối: G, T, R, L…
- G (General): Container thường không có hệ thống ổn định nhiệt (bảo ôn). G0 là phổ biến nhất (container mở một hoặc hai đầu); G1 là container thường có lỗ thông gió phía trên, và GP là tổ hợp của G0 và G1.
- R (Refrigerate): Container lạnh. R0 là container chỉ làm lạnh (giảm nhiệt độ, không tăng lên); R1 là container có khả năng điều chỉnh nhiệt độ.
- U (Open Top): Container mở đỉnh (không phải cont 20′ và 40′ GP bị cắt đỉnh). Thường gặp UT hoặc U1 (vd: 22UT, 22U1, 42UT, 42U1) (UT nghĩa là container open top).
- T (Tank container): Container bồn, với các mức độ chịu áp lực khác nhau từ T0 đến T8, chia thành các nhóm TN, TD, TG tương ứng với chất lỏng không nguy hiểm, chất lỏng nguy hiểm và khí.
- P (Platform container): Container phẳng (tấm phẳng), ví dụ như container flat rack (có hai tấm chắn ở hai đầu).
Loại thường gặp là T6 (ý nghĩa là chịu được sức ép 600kPa, trong đó 1kPa = 1000 N/m2.
Đối với container bồn, thì người sử dụng cần nắm rõ các thông số trên để lựa chọn container đóng hàng phù hợp với hóa chất của quý công ty. Bởi chọn container sai sẽ dẫn tới nguy cơ container bị rò rĩ, thậm chí nổ, vỡ rất nguy hiểm.
Ví dụ: Trên container có thể hiển thị BICU123456 – 45G1, nghĩa là container chở hàng có số cont BICU 123456, loại cont là Cont 40 Feet cao có cửa thông gió ở trên.
Số 5: Tải trọng tối đa (Max.Gross)
Max Gross là trọng lượng tối đa cho phép của container, bao gồm trọng lượng của container đầy đủ và trọng lượng tối đa của hàng hóa bên trong. Nó bao gồm cả vỏ container, vật liệu chèn lót, lashing… Đơn vị tính là kg (kilogram) và lb (pounds), theo tiêu chuẩn ISO 6346, với 1 kg tương đương 2.2045 lb.
Số 6: Trọng lượng container (TARE)
TARE là trọng lượng của vỏ container theo thiết kế (trọng lượng rỗng của container). Tuy nhiên, trong thực tế, có thể có chênh lệch nhỏ do các công đoạn sửa chữa container khi cần thiết. Trọng lượng này có thể thay đổi khi container được sửa lại (làm mới sàn, vá lỗ, v.v.). Tuy nhiên, chênh lệch này thường không đáng kể.
Số 7: Ký hiệu container – Trọng lượng hàng hóa (NET)
NET là trọng lượng tối đa cho phép của hàng hóa được đặt vào container, bao gồm hàng hóa, bao bì, các vật liệu chèn lót, lashing…
Số 8: Dung tích/Số khối (CU.CAP – CUBIC CAPACITY)
Ký hiệu này biểu thị tổng dung tích bên trong container, có đơn vị là m³ (mét khối) và ft³ (feet khối). Trong đó, 1 feet tương đương với 0.3048 m.
Số 9: Bảng CSC (Container Safety Convention)
Bảng CSC tương tự như bảng đăng kiểm, định rõ rằng container đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cần thiết cho vận chuyển. Bảng này bao gồm hai phần chính:
Approved for transport under customs seal (Được niêm phong hải quan cho phép vận chuyển)
Bảng CSC safety approval (Chứng nhận an toàn theo công ước CSC), có đầy đủ thông tin về container từ số container, nhà sản xuất đến năm sản xuất, trọng lượng…
Bảng CSC có vai trò như một “hộ chiếu,” cho phép container được vận chuyển toàn cầu.
Số 10: Các mã ký hiệu container khác
Nhà sản xuất đưa ra nhằm hướng dẫn việc sử dụng container, hướng dẫn sửa chữa và những lưu ý khi chất xếp hàng hóa….
Số 11: Logo hoặc tên của chủ sở hữu container
Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ ý nghĩa của các ký hiệu container. Từ đó có thể ứng dụng hiểu biết của mình vào trong công việc. Để tìm hiểu thêm những thông tin bổ ích về lĩnh vực kho vận logistics, đừng quên theo dõi những bài viết khác của Saigon Express nhé.
Dưới đây là những thông tin khác bạn có thể quan tâm:
Seal container là gì? Các loại seal container được sử dụng phổ biến hiện nay
Kích thước container tiêu chuẩn 10, 20, 40, 45, 50 feet
[Hướng dẫn chi tiết] Cách tra cứu container online nhanh chóng chính xác