Với sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp hóa chất nói riêng thì nhu cầu về hóa chất ngày càng tăng cao. Trong khi đó, nhiều loại hóa chất lại có tính chất nguy hiểm có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Chính vì vậy, quy định về nhập khẩu hoá chất tại thị trường Việt Nam còn rất nghiêm ngặt mà không phải doanh nghiệp nào cũng nắm rõ. Để dễ dàng cho doanh nghiệp tìm hiểu về vấn đề này hơn, Saigon Express đã tổng hợp chi tiết các thông tin liên quan đến thủ tục nhập khẩu hóa chất trong bài viết sau.
Thông tin bài viết tham khảo:
Thông tư 40/2011/TT-BCT: Quy định về khai báo hóa chất.
Nghị định 113/2017/NĐ-CP: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật hóa chất
Các nội dung chính của bài viết
Hóa chất là gì?
Để nhập khẩu hóa chất đầu tiên bạn phải hiểu được hóa chất là gì và nắm rõ được các thông tin về hóa chất mà bạn nhập khẩu.
Hóa chất là đơn chất hoặc là hợp chất, hỗn hợp chất mà con người khai thác được từ tự nhiên hoặc là chế biến ra từ các nguyên liệu nhân tạo. Nó có thể tồn tại dưới dạng lỏng hoặc rắn, cũng có thể tồn tại ở dạng khí có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, môi trường, an toàn và an ninh của quốc gia.
Chính vì thế quá trình vận chuyển, nhập khẩu hóa chất cần đảm bảo các yếu tố an toàn. Tuân thủ đúng quy định của Nhà nước.
Thủ tục nhập khẩu hóa chất chi tiết
Bước 1: Kiểm tra xem hóa chất có thuộc diện phải khai báo hay không
Mục đích của việc khai báo hóa chất là để cơ quan nhà nước có thể kiểm soát hoạt động nhập khẩu hóa chất. Về số lượng, chủng loại. Vì thế, ngay khi có ý định nhập khẩu hóa chất về Việt Nam, việc đầu tiên bạn cần làm đó là kiểm tra xem hóa chất mình dự định nhập khẩu có thuộc diện phải khai báo hay không.
Có 3 trường hợp xảy ra:
Trường hợp 1: Những loại hóa chất không cần khai báo
- Hóa chất được sản xuất, nhập khẩu nhằm mục đích phục vụ an ninh, quốc phòng, hoặc để ứng phó các sự cố thiên tai, dịch bệnh khẩn cấp
- Hóa chất là tiền chất ma túy, tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất bảng đã được cấp phép sản xuất, nhập khẩu.
- Hóa chất là nguyên liệu sản xuất thuốc (đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam)
- Hóa chất nhập khẩu dưới 10 kg/một lần nhập khẩu.
- Hóa chất là nguyên liệu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật (đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam)
Trường hợp 2: Hóa chất thuộc danh mục cần phải khai báo (Mã CAS chỉ thuộc Phụ lục V)
Đó là những hóa chất thuộc danh mục hóa chất phải khai báo tại Phụ lục V Nghị định số 113/2017/NĐ-CP. Bạn chỉ cần căn cứ vào mã CAS của hóa chất đó, và tra cứu trong Phục lục V là có thể nhanh chóng xác định.
Theo đó, mã CAS sẽ nằm trong MSDS (Material Safety Data Sheet) – Đây là bảng chỉ dẫn an toàn hóa chất mà hầu hết các nhà sản xuất sẽ cung cấp cho bạn.
Như vậy, nếu mã CAS của hóa chất thuộc mục V và không nằm trong mục nào khác nữa, thì bạn tiến hành khai báo hóa chất như bước 2. Các loại hóa chất kinh doanh thông thường hầu như sẽ rơi vào trường hợp này.
Trường hợp 3: Một số hóa chất đặc biệt (Mã CAS thuộc Phụ lục V và các phụ lục khác)
Bên cạnh Phụ lục V, nếu hóa chất nằm trong các phục lục khác thì bạn cần lưu ý:
+ Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp\
+ Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp
+ Danh mục hóa chất cấm
+ Danh mục hóa chất nguy hiểm phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất
Nếu loại hóa chất thuộc Phụ lục V và một trong số các mục nêu trên, thì bạn chỉ có thể tiến hành nhập khẩu nếu Giấy phép đăng ký kinh doanh hóa chất của bạn được cấp phép kinh doanh, nhập khẩu. Còn nếu không đủ điều kiện, thì không nên tiến hành nhập khẩu vì sẽ vi phạm pháp luật. Lô hàng sẽ không được thông quan nếu Hải quan kiểm gia giấy phép kinh doanh của bạn.
Bước 2: Tiến hành khai báo hóa chất
Thông thường khai báo hóa chất sẽ được thực hiện trước khi tàu về 2 ngày để thuận tiện cho các bên, không phải mất thời gian chờ đợi.
Tại Điều 27 của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP, quy định việc Khai báo hóa chất nhập khẩu như sau:
- Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất phải khai báo có trách nhiệm thực hiện khai báo hóa chất nhập khẩu trước khi thông quan. Và việc khai báo được thực hiện qua Cổng thông tin một cửa quốc gia https://vnsw.gov.vn/
Bạn tiến hành tạo tài khoản truy cập Cổng thông tin một cửa quốc gia. Sau đó thực hiện Thủ tục khai báo hóa chất qua mạng.
Theo đó, hồ sơ giấy tờ chuẩn bị gồm có:
- Thông tin khai báo theo mẫu đính kèm nghị định (về tổ chức, cá nhân khai báo, các thông tin hóa chất nhập khẩu);
- Hóa đơn mua, bán hóa chất;
- Phiếu an toàn hóa chất bằng tiếng Việt;
- Nếu là mặt hàng phi thương mại không có hóa đơn mua, bán hóa chất, thì cá nhân, tổ chức, khai báo hóa chất có thể dùng giấy báo hàng về cảng thay cho hóa đơn thương mại.
Bước 3: Thực hiện thủ tục nhập khẩu hóa chất
Khi đã hoàn tất khai báo hóa chất thành công, bạn tiến hành thông quan hàng hóa bình thường. Theo đó, hồ sơ bạn cần có:
- Giấy xác nhận đã khai báo hóa chất (bạn tải về từ Cổng thông tin một cửa quốc gia)
- Invoice, Packing list
- Bill of lading
- Tờ khai hải quan
- C/O (nếu có)
Bước 4: Vận chuyển hàng hóa về kho lưu trữ
Khi hoàn tất thông quan hóa chất, bạn cho xe vận chuyển về kho và lưu trữ. Lưu ý, việc kinh doanh hóa chất không hề đơn giản. Nếu hóa chất nhập khẩu của bạn nằm trong phụ lục I của nghị định 42/2020/NĐ-CP, tức thuộc diện hóa chất nguy hiểm. Thì bạn buộc phải xin thêm giấy phép vận chuyển hóa chất mới được phép vận chuyển mặt hàng này.
Yêu cầu đối với nhà xưởng, kho chứa hóa chất
Trong Nghị định số 113/2017/NĐ-CP, quá trình lưu trữ, nhà kho lưu trữ hóa chất cũng cần phải tuân theo một số quy định. Theo đó doanh nghiệp cần lưu ý:
- Nhà xưởng phải đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phù hợp với tính chất, quy mô và công nghệ sản xuất, lưu trữ hóa chất.
- Kho bãi, nhà xưởng cần có lối thoát hiểm được chỉ dẫn rõ ràng bằng bảng hiệu, đèn báo
- Cần đảm bảo tiêu chuẩn về hệ thống thông gió
- Hệ thống chiếu sáng cần đảm bảo
- Các thiết bị điện trong kho xưởng, kho chứa (có hóa chất dễ cháy, nổ) cần đáp ứng các tiêu chuẩn về phòng, chống cháy, nổ.
- Sàn nhà của kho bãi, nhà xưởng phải chịu được hóa chất, chịu được tải trọng hóa chất, không gây trơn trượt. đồng thời có rãnh thu gom và thoát nước tốt.
- Kho bãi, nhà xưởng phải trang bị bảng nội quy về an toàn hóa chất, có biển báo nguy hiểm treo ở nơi dễ thấy, và phù hợp với mức độ nguy hiểm của hóa chất
- Kho bãi, nhà xưởng cần có hệ thống thu lôi chống sét hoặc nằm trong khu vực được chống sét an toàn. Cần được kiểm tra định kỳ theo quy định.
- Kho bãi, nhà xưởng phải đáp ứng đủ các điều kiện về phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn và vệ sinh lao động.
- Lưu ý không được bảo quản các hóa chất có khả năng phản ứng với nhau (hoặc có yêu cầu về an toàn hóa chất, phòng, chống cháy nổ khác nhau) trong cùng một khu vực.
- Các hóa chất nguy hiểm phải được phân khu, sắp xếp theo tính chất của từng loại hóa chất.
- Việc bảo quản hóa chất cần thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành. Theo đó, đảm bảo yêu cầu an toàn và thuận lợi cho công tác ứng phó sự cố hóa chất.
Dịch vụ cho thuê kho chứa hóa chất SEC Warehouse
SEC Warehouse hiện đang là đối tác cung cấp dịch vụ cho thuê kho chứa hóa chất với nhiều doanh nghiệp. Theo đó, hệ thống nhà kho của SEC Warehouse đáp ứng đầy đủ các quy chuẩn an toàn để lưu trữ các loại hóa chất phổ biến. Bên cạnh hệ thống kho thường, SEC Warehouse còn thiết kế riêng dịch vụ kho mát với nhiệt độ dưới 25 độ C, phù hợp với các loại hóa chất đặc biệt yêu cầu nhiệt độ thấp.
Quý khách hàng đang làm thủ tục nhập khẩu hóa chất, và đang có ý định tìm thuê kho lưu hóa chất, có thể tham khảo qua dịch vụ Cho thuê kho của chúng tôi. Rất hân hạnh được hợp tác.