Kho ngoại quan là một thuật ngữ chuyên ngành thông dụng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, hải quan. Tuy nhiên nhiều người khi mới vào ngành, hoặc làm việc ở các lĩnh vực liên quan thì lại chưa thể nào cặn kẽ như người đã có kinh nghiệm lâu năm. Thậm chí nhiều người, dù có thể biết cơ bản khái niệm kho ngoại quan là gì, nhưng lại rất khó để giải thích, khá mơ hồ.
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nắm bắt chi tiết tất cả các thông tin về kho ngoại quan. Từ định nghĩa kho ngoại quan là gì cho đến các quy định kho ngoại quan trong pháp luật Việt Nam.
Các nội dung chính của bài viết
1. Kho ngoại quan là gì?
Thế nào là kho ngoại quan? Hiểu một cách đơn giản, kho ngoại quan chính là một khu vực kho bãi được ngăn cách với khu vực xung quanh, xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam. Mục đích của kho ngoại quan là dùng để tạm lưu trữ, bảo quản hoặc thực hiện các dịch vụ đơn giản như đóng gói, chia tách hàng hóa nhập từ nước ngoài hoặc hàng nội địa chuẩn bị xuất khẩu. Quy định cụ thể của hoạt động này sẽ căn cứ vào hợp đồng được ký giữa chủ kho ngoại quan và chủ hàng.
Ngoài ra, trong điều 4 luật Hải Quan 2014, tại khoản 10 cũng có nêu rõ khái niệm kho ngoại quan là gì. Cụ thể: “Kho ngoại quan là khu vực kho, bãi lưu giữ hàng hóa đã làm thủ tục hải quan được gửi để chờ xuất khẩu; hàng hóa từ nước ngoài đưa vào gửi để chờ xuất khẩu ra nước ngoài hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.”
Trên phương diện quốc tế, khi thường xuyên phải giao dịch với khách hàng nước ngoài, bạn cũng nên tìm hiểu kho ngoại quan trong tiếng anh là gì. Hiện nay khi đề cập tới khái niệm này trong các văn bản cũng như khi giao tiếp, thì “Bonded Warehouse” hoặc “Bonded Store” là 2 từ kho ngoại quan tiếng anh thông dụng nhất được nhiều người sử dụng.
2. Kho ngoại quan lưu hàng hóa gì?
Chủng loại hàng hóa lưu trong kho ngoại quan rất đa dạng, thuộc nhiều ngành nghề. Từ hàng thực phẩm, đồ gia dụng, may mặc, thiết bị máy móc cho đến linh kiện điện tử,… Miễn sao phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Chức năng kho ngoại quan dùng để lưu trữ các mặt hàng gồm có:
- Hàng hóa nhập kho chờ hoàn tất thủ tục để đưa vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam
- Hàng hóa quá cảnh lưu tại kho ngoại quan của Việt Nam để chuẩn bị xuất khẩu sang các nước khác
- Hàng hóa đã hoàn tất thủ tục hải quan, chuẩn bị xuất khẩu ra nước ngoài
- Hàng đã hết thời gian tạm nhập, buộc phải tái xuất
- Hàng hóa có quyết định buộc tái xuất từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Các mặt hàng không được lưu trong kho ngoại quan, bạn cần lưu ý: Các hàng độc hại không được cấp phép; Hàng có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ô nhiễm môi trường; Hàng lậu, hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu hoặc tên gọi xuất xứ từ Việt Nam; hàng hóa nằm trong danh mục cấm xuất nhập khẩu, trừ khi được Thủ tướng chính phủ cho phép,…
3. Thời hạn thuê kho ngoại quan và hợp đồng
Trong Luật Hải quan điều 61 quy định, thời hạn tối đa để hàng hóa lưu trữ trong kho ngoại quan không được quá 12 tháng. Tính từ thời điểm hàng bắt đầu gửi vào kho.
Trong một số trường hợp đặc biệt, nếu có lý do chính đáng sẽ được gia hạn 1 lần không quá 12 tháng. Điều này do Cục trưởng cục Hải quan quản lý kho ngoại quan xem xét và quyết định. Nếu quá thời hạn nêu trên mà chủ hàng hóa không chuyển hàng ra khỏi kho, thì hàng hóa sẽ được thanh lý theo quy định pháp luật.
Những ai được thuê kho ngoại quan? Đó là các thương nhân được phép kinh doanh xuất nhập khẩu, các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Với điều kiện những cá nhân, tổ chức này chứng minh được sản phẩm phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
Hợp đồng thuê kho ngoại quan sẽ được chủ hàng và chủ kho ngoại quan trực tiếp thỏa thuận. Theo đó phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật. Trong đó, nội dung hợp đồng phải thể hiện rõ chủng loại hàng hóa, khối lượng – chất lượng hàng, thời hạn thuê, các hoạt động đi kèm, trách nhiệm của hai bên trong suốt quá trình thuê kho ngoại quan,…
4. Các hoạt động trong kho ngoại quan
Kho ngoại quan để làm gì? Ngoài việc lưu trữ hàng hóa nguyên đai nguyên kiện trong kho ngoại quan chờ để nhập khẩu hay xuất khẩu. Hoạt động trong kho ngoại quan cũng khá đa dạng.
Tùy theo nhu cầu, chủ hàng có thể trực tiếp thực hiện. Ngoài ra cũng có thể ủy quyền bàn giao cho đơn vị chủ quản kho ngoại quan hoặc đơn vị làm thủ tục hải quan làm thay các hoạt động kho ngoại quan sau:
- Gia cố các kiện hàng
- Phân loại, bảo dưỡng hàng hóa
- Chia nhỏ hoặc gộp ghép các loại hàng hóa
- Đóng gói bao bì hàng hóa
- Lấy mẫu hàng hóa để cung cấp cho hoạt động quản lý kho ngoại quan hoặc làm thủ tục hải quan.
- Chuyển đổi quyền sở hữu hàng hóa
- Đặc biệt đối với các kho hàng chuyên dụng được cấp phép chứa xăng dầu, hóa chất, các hàng hóa đặc thù, thì có thể thực hiện chuyển đổi và pha chế trong phạm vi cho phép. Đảm bảo không gây nguy hiểm cho khu vực xung quanh và các hàng hóa khác.
- Các thủ tục xuất nhập hàng hóa trong kho ngoại quan.
Hầu hết các hoạt động này đều phải đặt dưới sự giám sát của công chức hải quan.
Ngoài ra, nếu có mong muốn chuyển hàng từ kho ngoại quan này sang kho ngoại quan khác, cần có sự chấp thuận của Cục trưởng Cục Hải quan quản lý trực tiếp bằng văn bản cụ thể.
Đối với đơn vị cho thuê kho ngoại quan, sẽ tuân theo các điều khoản trong hợp đồng thuê kho ngoại quan được ký kết với khách hàng.
Theo điều 63 Luật Hải quan, mỗi 3 tháng 1 lần, doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan phải tiến hành kiểm tra hàng hóa đang lưu trữ tại kho. Sau đó gửi văn bản báo cáo tình trạng hàng hóa, tình hình hoạt động của kho cho Cục Hải quan đang quản lý kho ngoại quan.
Để biết thêm thông tin về các thủ tục hàng hóa tại kho ngoại quan, các bạn có thể tham khảo bài viết Thủ tục xuất nhập hàng kho ngoại quan
5. Điều kiện thành lập kho ngoại quan
5.1. Các khu vực được phép thành lập kho ngoại quan
Khoản 1 điều 62 luật Hải quan và điều 10 Nghị định 68/2016/NĐ-CP quy định, địa bàn thành lập kho ngoại quan phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Khu vực cảng biển, cảng hàng không dân dụng quốc tế, cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng nhập khẩu, xuất khẩu thành lập ở nội địa
- Khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu công nghệ cao có sự cho phép của Nhà nước
- Các khu vực khác đã được cấp phép bởi các cơ quan có thẩm quyền về quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics
- Các địa bàn được ưu đãi đầu tư; các khu vực tập trung sản xuất xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản.
5.2. Điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan
- Đầu tiên doanh nghiệp phải có giấy phép kinh doanh theo đúng quy định pháp luật. Ngành nghề kinh doanh được mô tả phải có chức năng về lĩnh vực kho bãi, giao nhận hàng xuất nhập khẩu,…
- Đặc điểm kho ngoại quan phải có hệ thống tường rào ngăn cách với khu vực xung quanh. Bên trong đảm bảo điều kiện thực hiện nghiệp vụ kho ngoại quan, có nơi làm việc cho đơn vị hải quan như nơi kiểm tra hàng, nơi lắp đặt thiết bị kiểm tra,…
- Về diện tích:
– Tổng diện tích tối thiểu của kho ngoại quan (nhà kho, các công trình phụ trợ) là 5.000 m2. Trong đó, khu vực chứa hàng phải có diện tích trên 1.000 m2.
– Nếu là kho ngoại quan chuyên dụng dùng để lưu một hoặc một số mặt hàng đặc biệt, thì diện tích tối thiểu là 1.000m2 hoặc thể tích tối thiểu 1.000 m3 dùng để chứa hàng.
– Kho ngoại quan nằm trong khu vực cảng cần diện tích tối thiểu 1.000 m2
– Bãi ngoại quan chuyên dùng (không yêu cầu diện tích kho) cần diện tích tối thiểu 10.000 m2
- Để kinh doanh kho ngoại quan, doanh nghiệp phải có các phần mềm đặc biệt có khả năng quản lý hàng hóa xuất nhập tồn chuyên dụng cho kho ngoại quan
- Hệ thống camera giám sát 24/24 bao quát được các vị trí trong kho. Dữ liệu lưu trữ tối thiểu 12 tháng và kết nối trực tiếp với cơ quan quản lý hải quan.
5.3 Hồ sơ thành lập kho ngoại quan
- Đơn đề nghị công nhận đủ điều kiện thành lập kho ngoại quan (văn bản quy định kho ngoại quan theo mẫu số 1 đính kèm Nghị định 68/2016/NĐ-CP)
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
- Sơ đồ thiết kế kho bãi chi tiết (1 bản sao)
- Tài liệu mô tả phần mềm quản lý (1 bản chính)
- Chứng từ về quyền sở hữu/sử dụng kho bãi (1 bản sao)
- Giấy thẩm duyệt thiết kế PCCC (1 bản sao)
- Quy chế hoạt động trong kho ngoại quan (1 bản chính)
Hồ sơ này sẽ gửi bằng đường bưu điện, gửi trực tiếp hoặc thông qua hệ thống điện tử đến Tổng Cục Hải quan. Trong khoảng 15 ngày làm việc sau khi nhận được hồ sơ, Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải quan sẽ có văn bản sẽ có quyết định công nhận kho ngoại quan hoặc không.
6. Các quy định khác về kho ngoại quan là gì?
- Theo quy chế kho ngoại quan, nếu hàng hóa luân chuyển giữa các địa điểm, các kho ngoại quan thuộc cùng một Chi cục Hải quan, thì việc giám sát quá trình vận chuyển sẽ do Cục trưởng Cục Hải quan đó quy định.
- Khi hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan trực tiếp quản lý kho ngoại quan sẽ ra quyết định kiểm tra hàng hóa trước khi cho xuất hoặc nhập kho ngoại quan.
- Khi có hoạt động chuyển quyền sở hữu hàng hóa trong kho ngoại quan, chủ kho ngoại quan phải thông báo cho Chi cục Hải quan. Thời hạn lưu giữ hàng trong kho ngoại quan vẫn tính từ ngày bắt đầu đưa hàng vào kho căn cứ theo hợp đồng thuê kho ngoại quan do chủ hàng cũ ký trước đó.
- Về việc báo cáo hàng xuất nhập tồn trong kho ngoại quan, chủ kho ngoại quan sẽ làm việc trực tiếp với chủ hàng. Đối với chủ kho ngoại quan, định kỳ vào ngày 15 của tháng đầu quý sau, phải có văn bản gửi Chi cục Hải quan thông báo về hiện trạng hoạt động của kho và hàng hóa theo mẫu số 24/BC-KNQ/GSQL
- Mỗi năm một lần, Cục hải quan sẽ tiến hành kiểm tra kho ngoại quan, đảm bảo việc tuân thủ quy định pháp luật của kho để gửi báo cáo về Tổng cục Hải quan.
Hy vọng thông qua bài viết này, bạn sẽ nắm được khái niệm kho ngoại quan là gì, tại sao phải gửi hàng vào kho ngoại quan và các quy định liên quan. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm hiểu thêm thủ tục xuất nhập hàng kho ngoại quan để nắm rõ các bước thực hiện, nhằm đảm bảo quá trình nhập xuất hàng kho ngoại quan diễn ra nhanh chóng và đúng luật.
Ngoài kho ngoại quan thì kho CFS, kho bảo thuế, và cảng ICD cũng là những nơi lưu trữ và những loại kho phổ biến trong hoạt động xuất nhập khẩu, bạn có thể tham khảo các bài viết chi tiết sau:
Kho CFS là gì và vai trò của kho CFS
Kho bảo thuế là gì và các quy định về kho bảo thuế
Sự khác nhau giữa kho ngoại quan và kho cfs, kho bảo thuế
Cảng cạn ICD là gì? Cập nhật danh sách các ICD lớn tại Việt Nam 2019
Nếu bạn có nhu cầu sử dụng dịch vụ cho thuê kho hàng hóa hãy tham khảo Dịch Vụ Lưu Kho Hàng Hóa của chúng tôi.